Giải quyết tranh chấp hợp đồng đặt cọc?
Hiện nay, các giao dịch dân sự liên quan đến việc mua bán, chuyển nhượng, cho thuê … giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân đang diễn ra ngày càng phổ biến. Khi tiến hành thỏa thuận, các bên thường đặt một khoản chi phí trước được hiểu là “Đặt cọc” để tạo niềm tin cho nhau. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện thỏa thuận lại phát sinh nhiều vấn đề mâu thuẫn. Vậy khi phát sinh tranh chấp liên quan đến hợp đồng đặt cọc thì giải quyết thế nào theo quy định của pháp luật hiện hành?
1.Hợp đồng đặt cọc là gì? Giải quyết tranh chấp hợp đồng đặt cọc như thế nào?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về đặt cọc:“Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.”
Như vậy, bản chất của hợp đồng đặt cọc là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự giữa các bên tham gia giao dịch dân sự với nhau để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng và phải được lập thành văn bản – có thể lập thành văn bản riêng hoặc ghi trong hợp đồng chính (theo quy định tại Mục 1 Phần I Nghị quyết số 01/2003/NQ-HĐTP ngày 16/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC).
Đồng thời, Nghị quyết số 01/2003/NQ-HĐTP cũng hướng dẫn cụ thể việc giải quyết về tranh chấp hợp đồng dân sự có đặt cọc trong trường hợp có tranh chấp về đặt cọc mà các bên không có thoả thuận khác về việc xử lý đặt cọc, thì việc xử lý được thực hiện như sau:
- Trong trường hợp đặt cọc chỉ để bảo đảm cho việc giao kết hợp đồng hoặc chỉ để bảo đảm cho việc thực hiện hợp đồng hoặc vừa để bảo đảm cho việc giao kết hợp đồng vừa để bảo đảm cho việc thực hiện hợp đồng thì bên nào có lỗi làm cho hợp đồng không được giao kết hoặc không được thực hiện hoặc bị vô hiệu, thì phải chịu phạt cọctheo quy định tại khoản 2 Điều 363 BLDS.
Trích khoản 2 Điều 363 BLDS tương ứng với Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015 hiện hành như sau:
“Điều 328. Đặt cọc
- Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”.
- Trong trường hợp đặt cọc chỉ để bảo đảm cho việc giao kết hợp đồng, nếu trong quá trình thực hiện hợp đồng mới có sự vi phạm làm cho hợp đồng không được thực hiện hoặc mới phát hiện hợp đồng bị vô hiệu thì không phạt cọc. Việc giải quyết tranh chấp về vi phạm hợp đồng hoặc xử lý hợp đồng vô hiệu được thực hiện theo thủ tục chung.
- Trong trường hợp các bên có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định điều kiện nếu đặt cọc bị vô hiệu là hợp đồng cũng bị vô hiệu, thì hợp đồng đương nhiên bị vô hiệu khi đặt cọc đó bị vô hiệu. Việc xử lý đặt cọc bị vô hiệu và hợp đồng bị vô hiệu được thực hiện theo quy định tại Điều 146 BLDS.
Trích khoản 2 Điều 363 BLDS tương ứng với Điều 131 Bộ luật Dân sự 2015 hiện hành như sau:
“Điều 131. Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu
- Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.
- Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.
- Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.
- Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.
- Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định.”
Ngoài ra, tại Điều 408 Bộ luật Dân sự 2015 quy định trường hợp Hợp đồng vô hiệu do có đối tượng không thể thực hiện được như sau:
“Điều 408. Hợp đồng vô hiệu do có đối tượng không thể thực hiện được
- Trường hợp ngay từ khi giao kết, hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được thì hợp đồng này bị vô hiệu.
- Trường hợp khi giao kết hợp đồng mà một bên biết hoặc phải biết về việc hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được nhưng không thông báo cho bên kia biết nên bên kia đã giao kết hợp đồng thì phải bồi thường thiệt hại cho bên kia, trừ trường hợp bên kia biết hoặc phải biết về việc hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được.
- Quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này cũng được áp dụng đối với trường hợp hợp đồng có một hoặc nhiều phần đối tượng không thể thực hiện được nhưng phần còn lại của hợp đồng vẫn có hiệu lực.”
- Trong các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm a và c nêu trên này, nếu cả hai bên cùng có lỗi hoặc trong trường hợp có sự kiện bất khả kháng hoặc có trở ngại khách quan thì không phạt cọc.
Như vậy, trên thực tế khi xảy ra tranh chấp hợp đồng đặt cọc, các bên tham gia giao dịch có thể tự thỏa thuận, thương lượng với nhau để giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, nếu các bên không thể tự thỏa thuận thì có thể khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền để giải quyết theo quy định trên.
2.Các trường hợp Hợp đồng đặt cọc vô hiệu
Căn cứ theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015 thì hợp đồng đặt cọc sẽ bị vô hiệu nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
(1) Hợp đồng đặt cọc bị vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội (quy định tại Điều 123 Bộ luật Dân sự 2015).
(2) Hợp đồng đặt cọc bị vô hiệu do giả tạo (quy định tại Điều 124 Bộ luật Dân sự 2015).
(3) Hợp đồng đặt cọc bị vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện (quy định tại Điều 125 Bộ luật Dân sự 2015).
(4) Hợp đồng đặt cọc bị vô hiệu do bị nhầm lẫn (quy định tại Điều 126 Bộ luật Dân sự 2015).
(5) Hợp đồng đặt cọc bị vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép (quy định tại Điều 127 Bộ luật Dân sự 2015).
(6) Hợp đồng đặt cọc bị vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình (quy định tại Điều 128 Bộ luật Dân sự 2015).
(7) Hợp đồng đặt cọc bị vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức (quy định tại Điều 129 Bộ luật Dân sự 2015).
(8) Hợp đồng đặt cọc bị vô hiệu do có đối tượng không thể thực hiện được (quy định tại Điều 408 Bộ luật Dân sự 2015).
********
Công Ty Luật TNHH Tư Minh
Địa chỉ 1: Số 16 Đường D21 P. Phước Long B, Tp Thủ Đức
Địa chỉ 2: Đường DT747, KP4, phường Uyên Hưng, TP. Tân Uyên, Tỉnh Bình Dương.
Địa chỉ 3: Văn phòng đại diện Số 80 đường Song Hành, KDT Lakeview City, phường An Phú, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh.
Hotline: 1900 299 208
Website: www luattuminh vn
*****************************
LUẬT TƯ MINH – TÂM SÁNG TRÍ MINH