Thưa luật sư: vào tháng 11-2014 tôi được một người làm giấy tờ đưa tôi đi Anh quốc. Trước khi làm thì anh ta lấy trước của tôi 40 triệu đồng, đến tháng 2-2015 anh ta làm cho tôi visa giả, tôi ra Hà Nội nằm đợi thì có 1 chị đưa tôi đi làm số dư trong tài khoản và đưa tôi đi phỏng vấn nhưng chỉ đến quán coffee ngồi rồi về.
Trong khi tôi đi Hà Nội thì anh ấy bảo vợ tôi chuyển vào tài khoản của anh ấy 210 triệu đồng (có giấy nộp tiền). Sau thời gian không làm đưa tôi đi được tôi đòi lại tiền nhiều lần thì anh ta trả cho tôi được 70 triệu đồng, còn 180 triệu nữa anh ấy không trả. Theo luật sư giờ phải làm sao? Có nên làm đơn gửi lên cơ quan công an không hay thực hiện thủ tục gì để đòi lại số tiền trên? Xin cảm ơn luật sư.
Cảm ơn anh đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Tư Minh, trường hợp của anh, chúng tôi tư vấn như sau:
Thứ nhất, theo như những gì anh cung cấp, chúng tôi tóm tắt lại những tình tiết sau:
+ Chúng tôi tạm gọi là anh A là người giúp anh làm thủ tục xuất cảnh sang Anh Quốc, anh ta nhận 40 triệu đồng từ anh vào tháng 11/2014> (có giấy nộp tiền hay không)
+ Tháng 2/2015: Anh ta cung cấp visa giả cho anh. (căn cứ để xác nhận visa giả)
+ Lần 2, vợ anh chuyển vào tài khoản của anh A 210 triệu đồng (có giấy nộp tiền)
+ Không hoàn thành được thủ tục xuất cảnh, anh có đòi lại tiền và được trả 70 triệu.
Thứ hai, Với những tình tiết trên, có thể xác nhận anh A đang có dấu hiệu của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan.
Theo Bộ Luật Hình sự 1999 được sửa đổi, bổ sung 2009:
Điều 139*. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
A) Có tổ chức;
B) Có tính chất chuyên nghiệp;
C) Tái phạm nguy hiểm;
D) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
Đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
E) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
G) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
A) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
B) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân :
A) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
B) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Theo đó, để xác định được hành vi lừa đảo chiếm đoạt cần có những yếu tố sau:
Mặt khách quan:
– Hành vi chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn gian dối. Thủ đoạn gian dối ở đây là đưa ra những thông tin không đúng sự thật để đánh lừa người khác. Hành vi này có thể thông qua lời nói; xuất trình giấy tờ giả mạo; giả danh cán bộ; giả danh tổ chức ký kết hợp đồng.
Lưu ý: Gian dối là đặc trưng của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng không phải mọi hành vi gian dối đếu cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:
– Hậu quả: Người phạm tội đã chiếm được tài sản (hoặc giữ được tài sản trong trường hợp dùng thủ đoạn gian dối trao tài sản nhưng lại không trao)
Mặt chủ quan:
– Lỗi cố ý
– Mục đích: chiếm đoạt tài sản; thực hiện được thủ đoạn gian dối (mong muốn người khác tin mình)
Anh A đã có hành vi gian dối: Anh A đã nhận tiền của anh, với sự đảm bảo về việc giúp anh xuất cảnh sang Anh quốc, nhưng lại không thực hiện thủ tục theo đúng quy định pháp luật, làm các thủ tục mang tính chất giả tạo để anh tin tưởng rằng anh A đang lo thủ tục cho anh, nhận tiền với số lượng nhều trên 200 triệu.
Ngoài ra, anh A còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức: với hành vi làm visa giả:
Điều 267. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức
1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm:
A) Có tổ chức;
B) Phạm tội nhiều lần;
C) Gây hậu quả nghiêm trọng;
D) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ bốn năm đến bảy năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng.
Với những căn cứ trên và những tình tiết, chứng cứ trên thực tế, anh có thể làm đơn tố cáo anh A về những hành vi vi phạm pháp luật trên.
Hồ sơ tố cáo:
+ Đơn tố cáo: trình bày rõ sự việc và đối tượng phạm tội.
+ Các tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của anh A: Giấy nhận tiền, giấy tờ xác nhận giao dịch giữa anh và anh A, visa bị làm giả.
Hồ sơ gửi đến Cơ quan Công an nơi cư trú của anh A để yêu cầu họ điều tra làm rõ và có căn cứ khởi tố anh A.