Thế nào là phạm tội có tính chất côn đồ?

Thế nào là phạm tội có tính chất côn đồ?

VKSND Tối cao nhận định “phạm tội có tính chất côn đồ” là tình tiết “định tính”, cần phải dựa vào từng trường hợp cụ thể để xác định, đồng thời áp dụng Án lệ 17/2018.

VKSND Tối cao vừa ban hành Văn bản 4962 giải đáp khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của các đơn vị, VKS các cấp qua sơ kết, giao ban công tác chín tháng đầu năm 2023.

Trong đó, VKSND Tối cao đã hướng dẫn một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến hình sự, tố tụng hình sự.

Phạm tội có tính chất côn đồ là tình tiết “định tính”

Gặp vướng mắc trong thực tiễn công tác, một số VKS đề nghị được hướng dẫn áp dụng tình tiết “phạm tội có tính chất côn đồ” trong việc định tội giết người và tội cố ý gây thương tích.

Giải đáp điều này, VKSND Tối cao cho rằng tình tiết “phạm tội có tính chất côn đồ” là tình tiết “định tính”.

Trong thực tiễn áp dụng, để áp dụng tình tiết “phạm tội có tính chất côn đồ” cần căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để xác định, đánh giá toàn diện về nguyên nhân, động cơ, mục đích, điều kiện, hoàn cảnh phạm tội; tính chất, mức độ, phương thức, hành động thực hiện hành vi phạm tội, thái độ, ý thức chủ quan của người phạm tội…

Theo VKSND Tối cao, liên ngành Trung ương không có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn các quy định của BLHS năm 2015. Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã ban hành Án lệ 17/2018/AL, trong đó giải thích về tình tiết “có tính chất côn đồ” nên VKS các địa phương cần nghiên cứu, áp dụng.

Cụ thể, Án lệ 17 nêu tình huống trong vụ án có đồng phạm, chỉ vì mâu thuẫn nhỏ trong sinh hoạt, các đồng phạm đã rủ nhau đánh dằn mặt bị hại.

Thế nào là phạm tội có tính chất côn đồ? - Luật Tư Minh
Thế nào là phạm tội có tính chất côn đồ?

Khi thực hiện tội phạm, người thực hành dùng mã tấu chém liên tiếp vào vùng đầu, mặt, chân, tay của bị hại; việc bị hại không chết là ngoài ý muốn chủ quan của người thực hành.

Người xúi giục không có mặt khi người thực hành thực hiện tội phạm, không biết việc người thực hành sử dụng mã tấu chém vào những vùng trọng yếu trên cơ thể bị hại nhưng đã để mặc cho hậu quả xảy ra.

Trường hợp này, người thực hành phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “giết người” với tình tiết định khung là “có tính chất côn đồ”. Người xúi giục bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “giết người” nhưng không bị áp dụng tình tiết định khung “có tính chất côn đồ”.

Hướng dẫn về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Một vướng mắc khác được đặt ra liên quan đến trường hợp một người nhờ người khác bán hộ tài sản và xác định thời hạn phải trả lại tiền; tuy nhiên người bán hộ tài sản hưởng hoa hồng và không trả lại tiền mặc dù đã quá hạn thanh toán với lý do số tiền bán được tài sản đã ăn tiêu hết (đi chơi, ăn nhậu…). Khi đó có áp dụng điểm a khoản 1 Điều 175 BLHS năm 2015 về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản để xử lý hay không?

Theo VKSND Tối cao, để thỏa mãn hành vi khách quan của tội phạm nêu trên thì phải đáp ứng cả hai điều kiện: Đến thời hạn trả lại tiền và vào thời hạn trả lại tiền đó, người phạm tội có điều kiện, khả năng trả lại tài sản nhưng cố tình không trả.

Do đó, đối với trường hợp nêu trên, mặc dù đối tượng nêu lý do không có tiền để trả lại do số tiền bán được tài sản đã ăn tiêu hết (đi chơi, ăn nhậu, hát karaoke…) nhưng cơ quan có thẩm quyền vẫn phải điều tra làm rõ về việc đối tượng có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả thì mới có căn cứ áp dụng điểm a khoản 1 Điều 175 BLHS năm 2015.

Nguồn: Báo Vietnam net

*************

LUẬT TƯ MINH – TÂM SÁNG TRÍ MINH

⚖️Công Ty Luật TNHH Tư Minh  

👉Địa chỉ: Số 16 Đường D21 P. Phước Long B, Tp Thủ Đức

☎ Hotline: 1900 299 208 

Website: www.luattuminh.vn

*****************************

LUẬT SƯ VŨ XUÂN HOẰNG – LUẬT TƯ MINH 

– Đội ngũ Luật sư giỏi, 20 năm kinh nghiệm. 

– Tư vấn, xử lý gần 10,000 nhiều vụ kiện lớn nhỏ. 

– Trung thực, minh bạch, bảo mật, có trách nhiệm 

– Luôn bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho mọi khách hàng 

LUẬT TƯ MINH – TÂM SÁNG TRÍ MINH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *