Tranh Chấp Về Phân Chia Di Sản Thừa Kế Giải Quyết Như Thế Nào?

Tranh chấp về thừa kế là nội dung tranh chấp tương đối phổ biến trong tranh chấp dân sự, đặc biệt là các tranh chấp liên quan đến việc phân chia di sản thừa kế, vì nó có liên quan trực tiếp đến lợi ích giữa những người có quyền thừa kế.

Việc giải quyết tranh chấp di sản thừa kế là một việc tương đối phức tạp và nhạy cảm do các bên tranh chấp thường có mối quan hệ huyết thống, thân thuộc. Dưới đây là một số kiến thức pháp lý liên quan đến giải quyết tranh chấp về phân chia di sản thừa kế:

  1. Quyền khởi kiện tranh chấp về phân chia di sản thừa kế.

Để khởi kiện yêu cầu phân chia di sản thừa kế, trước hết cần xác định những ai có quyền hưởng di sản thừa kế. Theo quy định, có hai hình thức thừa kế là: Thừa kế theo di chúc, và thừa kế theo pháp luật.

Người có quyền thừa kế theo di chúc: Là người được chỉ định trong di chúc để nhận phần di sản do người chết để lại.

Người có quyền thừa kế theo pháp luật: Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế

Cụ thể theo quy định tại Điều 651 BLDS thì những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự như sau:

“a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.”

Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

  1. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp về thừa kế

Theo quy định tại Điều 26 BLTTDS năm 2015 thì tranh chấp về thừa kế tài sản là tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

– Chủ thể có quyền khởi kiện:

Khi xảy ra tranh chấp di sản thừa kế, cá nhân, tổ chức có thể yêu cầu tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết theo trình tự bộ luật tố tụng dân sự quy định khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của người đó bị xâm phạm trong tranh chấp liên quan đến thừa kế.

– Thời hiệu khởi kiện:

+ Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó.

+ Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

+ Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

– Thẩm quyền giải quyết:

Căn cứ quy định tại Điều 35, Điều 38 BLTTDS năm 2015 thì những tranh chấp về thừa kế thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp huyện, trừ trường hợp đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài thì tranh chấp sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp tỉnh.

Lưu ý:

– Đối với những tranh chấp liên quan đến việc phân chia di sản thừa kế là bất động sản, thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết;

– Trường hợp di sản thừa kế là động sản thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết là Toà án nơi bị đơn cư trú, làm việc. Các bên cũng có thể thỏa thuận bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi nguyên đơn cư trú, làm việc giải quyết tranh chấp.

 

 

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *