3 Điều Cần Lưu Ý Khi Vợ Muốn Ly Hôn Với Chồng Ngoại Tình

Khi phát hiện chồng ngoại tình, nhiều người vợ sẽ quyết định ly hôn mà quên mất việc thu thập, sưu tầm bằng chứng chứng minh chồng ngoại tình cũng như tìm hiểu các quy định pháp luật để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho mình.

1. Thủ tục ly hôn đơn phương với chồng ngoại tình

Khi chồng ngoại tình, người vợ có thể thoả thuận ly hôn thuận tình nếu chồng đồng ý ly hôn. Trường hợp nếu người chồng không đồng ý ly hôn thì người vợ hoàn toàn có thể khởi kiện yêu cầu ly hôn đơn phương theo quy định tại Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

“Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên

Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.”
Do đó, khi muốn ly hôn với người chồng ngoại tình, người vợ nên chuẩn bị đầy đủ bằng chứng chứng minh việc ngoại tình của chồng như: ảnh chụp, video, file ghi âm, ghi hình… chứng minh người chồng có hành vi ngoại tình và nộp cùng đơn ly hôn đơn phương.

Hồ sơ đơn phương ly hôn bao gồm:

– Đơn xin ly hôn

– Bản chính giấy chứng nhận đăng ký kết hôn;

– Bản sao CMND/CCCD của cả vợ và chồng;

– Bản sao những giấy tờ chứng minh tài sản chung của vợ chồng (nếu có tài sản chung cần chia);

– Bản sao giấy khai sinh của con (nếu có con).

– Tài liệu, chứng cứ chứng minh người chồng ngoại tình.

Nộp đơn ly hôn đơn phương ở đâu?
– không có yếu tố nước ngoài

+ Nộp đơn tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú, nơi làm việc của người muốn ly hôn trong trường hợp hai bên thỏa thuận.

+ Nộp đơn tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú, làm việc của người còn lại trong trường hợp hai bên không có thỏa thuận.

(điểm a khoản 1, điểm b khoản 2, khoản 3 Điều 35; điểm a, b khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015)

– Nếu có yếu tố nước ngoài:

+ Nộp đơn tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi cư trú, nơi làm việc của người muốn ly hôn trong trường hợp hai bên thỏa thuận.

+ Nộp đơn tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi cư trú, làm việc của người còn lại trong trường hợp hai bên không có thỏa thuận.

(điểm a, b khoản 1 Điều 37, khoản 3 Điều 35; điểm a, b khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015)

Lưu ý: Đối với trường hợp ly hôn giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam thì nộp đơn tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam.

2. Bất lợi về chia tài sản khi ngoại tình

Theo quy định tại Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì tài sản chung của vợ chồng sẽ được chia đôi khi ly hôn có tính đến các yếu tố sau đây:

– Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

-Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

– Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

– Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

Như vậy, khi chồng bạn ngoại tình (bạn phải có chứng cứ chứng minh) thì người chồng ngoại tình vì đã có lỗi trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng nên sẽ ảnh hưởng bất lợi đến việc chia tài sản chung với người vợ khi ly hôn.

3. Bất lợi khi giành quyền nuôi con

Theo quy định tại Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì:

– Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

– Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Như vậy, đối với quyền nuôi con sau ly hôn nếu hai bên vợ chồng không thoả thuận được ai sẽ là người trực tiếp nuôi con thì Toà án sẽ xem xét và quyết định dựa vào quyền lợi về mọi mặt của con như điều kiện về chỗ ở, điều kiện về tài chính của ba mẹ, điều kiện chăm sóc tinh thần cho con….

Nên nếu một trong hai cha mẹ ngoại tình, người còn lại có bằng chứng rõ ràng thì có thể chứng minh người ngoại tình đã bỏ bê gia đình, không quan tâm vợ con…

Từ đó, khi xem xét giao con cho ai nuôi dưỡng khi ly hôn thì người ngoại tình cũng sẽ gặp bất lợi hơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *