Từ vụ ông Trần Hùng kêu oan, chứng cứ nào mới được coi là hợp pháp?

Từ vụ ông Trần Hùng kêu oan, chứng cứ nào mới được coi là hợp pháp?

Bộ luật tố tụng hình sự quy định chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục và được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội…

Trong phiên tòa phúc thẩm vụ án ông Trần Hùng, cựu cục phó Cục QLTT kêu oan về tội nhận hối lộ, luật sư và ông Hùng có trình tòa bản viết tay của một người Nguyễn Trung Kiên cho rằng Nguyễn Duy Hải (người môi giới hối lộ 300 triệu đồng) đã nói muốn đưa tiền cho ông Hùng nhưng khi lên gặp, ông Hùng không cầm tiền, đuổi ra ngoài.

HĐXX cho rằng bản viết tay này không có có tính xác thực, không được thu thập theo trình tự thủ tục, do đó không được sử dụng làm nguồn chứng cứ. Đây là một trong những căn cứ để HĐXX bác bỏ kháng cáo kêu oan, giữ nguyên mức án sơ thẩm 9 năm tù về tội nhận hối lộ đối với ông Trần Hùng.

Trước đó, trong phần luận tội, đại diện VKS xác định đây không phải nguồn chứng cứ vì đây là bản khai của phạm nhân nhưng không có chứng nhận của trại giam và đề nghị HĐXX không xem xét văn bản này.

Vậy những tài liệu, đồ vật nào sẽ được coi là chứng cứ? Bản viết tay của người tên Nguyễn Trung Kiên (nếu có) cần được thu thập theo trình tự, thủ tục nào mới được coi là hợp pháp?

Từ vụ ông Trần Hùng kêu oan, chứng cứ nào mới được coi là hợp pháp? - Luật Tư Minh
Từ vụ ông Trần Hùng kêu oan, chứng cứ nào mới được coi là hợp pháp?

Những gì sẽ là chứng cứ?

TS – luật sư Đặng Văn Cường, theo quy định tố tụng hình sự, vấn đề chứng cứ và chứng minh là những vấn đề rất quan trọng, quyết định đến việc giải quyết đúng đắn vụ án hình sự.

Xác định tài liệu đồ vật nào là chứng cứ, có giá trị chứng minh và việc sử dụng chứng cứ, đánh giá chứng cứ như thế nào trong quá trình tranh tụng có thể quyết định đến việc giải quyết vụ án.

Điều 86 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định: “Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.”.

Như vậy, có thể thấy những gì được coi là chứng cứ phải là những thứ có thật, có liên quan đến vụ án hình sự và được thu thập theo trình tự thủ tục luật định.

Luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh chứng cứ có 3 thuộc tính là tính khách quan, tính liên quan và thu thập hợp pháp. Nếu thiếu một trong các thuộc tính đó thì tài liệu đồ vật đó không được coi là chứng cứ.

Chứng cứ có thể dùng để chứng minh hành vi có tội (để buộc tội), không có tội (gỡ tội) hoặc để chứng minh tính chất, mức độ hành vi, nhân thân và các tình tiết khác của vụ án hình sự.

Lời khai nào là hợp pháp?

Điều 87 Bộ luật tố tụng hình sự quy định chứng cứ được thu thập, xác định từ các nguồn: vật chứng; lời khai, lời trình bày; dữ liệu điện tử; kết luận giám định, định giá tài sản; biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác; các tài liệu, đồ vật khác.

Khoản 2, Điều 87 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: “Những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự”.

Chính vì vậy, đối với các bị can, bị cáo, người đang chấp hành án, khi họ bị cách ly với đời sống xã hội, mọi thứ từ văn bản, ý kiến của họ chuyển ra bên ngoài phải có sự xét duyệt, xác nhận của cơ sở giam giữ.

Những nội dung lời khai của bị can, bị cáo, người đang phải chấp hành hình phạt tù mà không được cơ sở giam giữ xác nhận thì không được coi là chứng cứ, không được dùng để sử dụng làm căn cứ chứng minh trong vụ án hình sự.

Trong trường hợp có người biết được bị can, bị cáo khác hoặc phạm nhân khác có những thông tin quan trọng có thể làm chứng cứ, là người làm chứng thì phải liên hệ với cơ sở giam giữ để được xác nhận, thu thập chứng cứ có xác nhận của cơ sở giam giữ thể chứng cứ đó mới hợp lệ, có thể sử dụng làm căn cứ để chứng minh, mới thỏa mãn thuộc tính “thu thập hợp pháp”.

Bên cạnh đó, lời khai của một bị can bị cáo nào đó cũng phải đáp ứng thuộc tính khách quan và liên quan mới được coi là chứng cứ.

“Lời khai buộc tội chỉ được coi là chứng cứ nếu phù hợp với tài liệu chứng cứ khác, thể hiện tính khách quan. Lời khai gỡ tội cũng vậy, nếu chỉ một lời khai thì phải phù hợp với các tài liệu chứng cứ khác. Pháp luật tố tụng hình sự quy định việc đánh giá chứng cứ phải toàn diện, khách quan, xem xét mọi mặt để có kết luận chính xác”- luật sư Đặng Văn Cường cho biết.

Cuối cùng, Tòa án sẽ quyết định…

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự hiện nay, cơ quan tiến hành tố tụng, người bào chữa, bị cáo và những người khác đều có quyền thu thập chứng cứ, tài liệu, đồ vật và có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, tài liệu, đồ vật đó cho cơ quan tiến hành tố tụng.

Trường hợp không thể thu thập được chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến việc bào chữa thì người bào chữa có thể đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập.

Cũng theo TS luật sư Đặng Văn Cường, tùy từng giai đoạn tố tụng, khi thu thập được chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến việc bào chữa, người bào chữa phải kịp thời giao cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để đưa vào hồ sơ vụ án. Việc giao, nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật phải được lập biên bản theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Trong giai đoạn xét xử thì có thể cung cấp cho thẩm phán, cho tòa án hoặc tại phiên tòa thì giao nộp tại bàn thư ký để tòa án xem xét. Trong phần tranh tụng các bên sẽ kiểm tra đánh giá chứng cứ và sử dụng chứng cứ để buộc tội hoặc gỡ tội theo chức năng của mình.

Nếu tại phiên tòa xuất hiện các chứng cứ quan trọng mà chưa thể kiểm tra đánh giá được thì tòa án có thể hoãn phiên tòa hoặc trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Nếu HĐXX đánh giá đó không phải là chứng cứ vì không khách quan, không liên quan hoặc không được thu thập hợp pháp thì sẽ không sử dụng để chứng minh trong vụ án đó.

Như vậy, với những tài liệu, đồ vật mà người bào chữa thu thập được từ các cơ quan, tổ chức trong đó các có thể là các tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử mà thỏa mãn các thuộc tính của chứng cứ (tính khách quan, tính liên quan và thu thập hợp pháp) thì cũng được coi là chứng cứ, làm căn cứ giải quyết vụ án hình sự.

Còn việc đánh giá giá trị chứng minh của chứng cứ đó như thế nào, có sử dụng để buộc tội hoặc gỡ tội hay không sẽ phụ thuộc vào nội dung tranh luận và kết quả tranh luận công khai tại phiên tòa.

“Cuối cùng tòa án là cơ quan có thẩm quyền xác định đâu là chứng cứ để sử dụng chứng cứ, đánh giá chứng cứ nhằm giải quyết vụ án hình sự”- TS – luật sư Đặng Văn Cường nói.

Nguồn: Báo Pháp luật

*************

LUẬT TƯ MINH – TÂM SÁNG TRÍ MINH

⚖️Công Ty Luật TNHH Tư Minh  

👉Địa chỉ: Số 16 Đường D21 P. Phước Long B, Tp Thủ Đức

☎ Hotline: 1900 299 208 

Website: www.luattuminh.vn

*****************************

LUẬT SƯ VŨ XUÂN HOẰNG – LUẬT TƯ MINH 

– Đội ngũ Luật sư giỏi, 20 năm kinh nghiệm. 

– Tư vấn, xử lý gần 10,000 nhiều vụ kiện lớn nhỏ. 

– Trung thực, minh bạch, bảo mật, có trách nhiệm 

– Luôn bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho mọi khách hàng 

LUẬT TƯ MINH – TÂM SÁNG TRÍ MINH

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *