Nội dung câu hỏi: Tội điều khiển xe ô tô để đưa đón học sinh đi học.trong khi đang đón 1 cháu học sinh cấp 1 thì có người điểu khiển xe mô tô ( xe cup) lao vào đuôi xe ô tô của tôi hậu quả người điều khiển xe máy bị tử vong trên đường đi cấp cứu.
Tôi có bằng lái xe hạng B1 và xe của tôi là xe tải nhưng tôi đã thay đổi kết cấu xe để có thể đưa đón học sinh cấp 1 đi học. Trong trường hợp này tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không. Và có phải bồi thường thiệt hại cho người điều khiển xe mô tô không. Nếu phải bồi thường thì mức bồi thường là bao nhiêu. Rất mong nhận được tư vấn của luật sư. Tôi xin chân thành cám ơn!
Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới công ty Luật Tư Minh, chúng tôi xin tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:
Khoản 1 Điều 260 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 quy định:
“Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ
1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
…”
Điều 3 Thông tư 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC
“1. Hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ của người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ quy định tại khoản 1 Điều 202 Bộ luật hình sự được hiểu là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy tắc giao thông đường bộ và hành vi này phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả về tính mạng, sức khỏe và tài sản”.
Theo quy định trên, bạn chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ khi bạn có hành vi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ và hành vi này là nguyên nhân trực tiếp gây thiệt hại tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác, ví dụ như việc dừng, đỗ xe không đúng quy định, không xi nhan khi dừng đỗ xe,…. Và để xác định việc bạn có lỗi hay không có lỗi phải căn cứ vào kết luận của cơ quan điều tra, xem bạn có lỗi hay không, nếu có lỗi là lỗi gì, mức độ lỗi và lỗi trực tiếp gây ra tai nạn là thế nào?
Theo quy định tại Điều 55 – Luật giao thông đường bộ 2008 về Bảo đảm quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ
“1. Việc sản xuất, lắp ráp, cải tạo, sửa chữa, bảo dưỡng và nhập khẩu xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ phải tuân theo quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Không được cải tạo các xe ô tô khác thành xe ô tô chở khách.
2. Chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”.
Việc bạn tự ý thay đổi xe từ xe tải thành xe khách là vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ, tuy nhiên để có căn cứ để truy cứu trách nhiệm nhiệm hình sự về tội trên phải có kết luận của cơ quan điều tra về việc nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại tính mạng cho người điều khiển xe máy, lỗi của bạn đối với thiệt hại này.
Về bồi thường thiệt hại
Trong trường hợp theo kết luận của cơ quan điều tra xác định về nguyên nhân gây ra tai nạn và lỗi của bạn để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Nếu bạn có lỗi vô ý hoặc cố ý gây thiệt hại cho người kia thì bạn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo căn cứ quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015:
“Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.”
Mức bồi thường được xác định theo quy định tại Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015:
“Điều 591. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm
1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:
a) Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này;
b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;
c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;
d) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.”
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Tư Minh về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn hành vi điều khiển xe khách gây chết người. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến – Số điện thoại liên hệ 0918254646 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.
Trân trọng!