Luật sư tư vấn về trường hợp chia tài sản là đất trong di chúc có ghi chú không được bán, không chia cho ai. Nội dung cụ thể như sau:
Nội dung câu hỏi:
Chào luật sư, trước khi mất bố tôi có để lại di chúc. Trong đó có ghi mẹ tôi có quyền sử dụng và khi mẹ mất thì quyền sử dụng thuộc về tôi. Ngoài ra còn ghi chú không được bán, không chia cho ai. Di chúc có dấu đỏ của Xã và có người làm chứng. Nay mẹ tôi muốn chia đất đai cho các chị gái. Tôi không đồng ý. Và mẹ tôi muốn đưa ra tòa để giải quyết. Nếu ra tòa thì di chúc có có hiệu lực không ? Và khi ra tòa mẹ tôi có thể chia tài sản cho các chị gái của tôi được không. Mong luật sư giải đáp giùm. Cảm ơn luật sư !
Trả lời:
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn về công ty Luật Tư Minh. Với những thông tin bạn cung cấp chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau:
THỨ NHẤT QUY ĐỊNH VỀ DI CHÚC
Theo Điều 624 Bộ luật dân sự 2015 quy định về Di chúc như sau:
“Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”.
Theo Điều 630 Bộ luật dân sự 2015 quy định về Di chúc hợp pháp như sau:
“1. Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;
b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật”…
Như vậy, theo quy định pháp luật dân sự, bố bạn có quyền tự do định đoạt tài sản của mình cho những người khác sau khi mất. Nếu mảnh đất này là tài sản riêng của bố thì bố được toàn quyền định đoạt trong di chúc.
THỨ HAI VỀ HẠN CHẾ PHÂN CHIA DI SẢN THỪA KẾ
Điều 661 Bộ luật dân sự 2015 quy định Hạn chế phân chia di sản
“Trường hợp theo ý chí của người lập di chúc hoặc theo thỏa thuận của tất cả những người thừa kế, di sản chỉ được phân chia sau một thời hạn nhất định thì chỉ khi đã hết thời hạn đó di sản mới được đem chia.
Trường hợp yêu cầu chia di sản thừa kế mà việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên vợ hoặc chồng còn sống và gia đình thì bên còn sống có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần di sản mà những người thừa kế được hưởng nhưng chưa cho chia di sản trong một thời hạn nhất định. Thời hạn này không quá 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn 03 năm mà bên còn sống chứng minh được việc chia di sản vẫn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của gia đình họ thì có quyền yêu cầu Tòa án gia hạn một lần nhưng không quá 03 năm.”
Trong di chúc, bố bạn để lại quyền sử dụng cho mẹ bạn, sau khi mẹ bạn mất thì quyền sử dụng sẽ thuộc về bạn nhưng lại hạn chế quyền định đoạt của mẹ bạn và bạn. Ở đây cần làm rõ, nếu bố chỉ định sau khi bố mất thì giao quyền quản lý tạm thời cho người mẹ và tới thời điểm mẹ mất mới là thời điểm phân chia di sản theo di chúc thì nội dung này phù hợp với quy định pháp luật. Người con được hưởng di sản sau khi người mẹ mất đi. Việc người bố hạn chế vấn đề cho con nhưng không được bán sẽ không có giá trị rằng buộc, bởi lẽ sau khi người con nhận di sản thừa kế thì người con có toàn quyền đối với mảnh đất này.
Tuy nhiên, nếu người bố định đoạt tài sản cho người mẹ (tức là sau khi bố mất mẹ sẽ là người được hưởng di sản thừa kế) thì mẹ có toàn quyền định đoạt, bố không thể yêu cầu mẹ không được bán và khi mẹ mất mẹ phải chuyển tên sang cho con. Nội dung này không phù hợp với pháp luật thì không có giá trị. Do đó, để giải quyết tranh chấp này thì cần đọc và hiểu nội dung di chúc. Nếu nội dung di chúc chưa rõ ràng thì những người thừa kế phải cùng nhau giải thích di chúc. Nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu TAND giải quyết.
Lưu ý: Nếu mảnh đất thuộc tài sản chung của hai bố mẹ thì bố chỉ được quyền định đoạt 1/2 tài sản. 1/2 tài sản còn lại thì mẹ có quyền định đoạt. Do đó, nếu không thỏa thuận được thì mẹ có quyền yêu cầu TAND chia thừa kế và sau đó mẹ định đoạt phần tài sản của mẹ theo ý chí của bà.