– Hiện nay, các tranh chấp trong lĩnh vực xây dựng ngày một gia tăng, thường phát sinh do nhiều nguyên nhân mà trong đó chủ yếu xuất phát từ các vi phạm của chủ đầu tư hoặc của nhà thầu. Hợp đồng thi công xây dựng đóng vai trò là bản thỏa thuận giữa bên giao thầu và bên nhận thầu, đây là một văn bản quan trọng trong lĩnh vực xây dựng. Bởi nó ghi nhận các cam kết của các bên liên quan đến thi công công trình nhằm hoàn thành dự án đúng tiến độ. Khi phát sinh tranh chấp các bên có thể lựa chọn các hình thức tranh chấp sao cho đảm bảo được quyền lợi và giải quyết một cách nhanh nhất.
Hợp đồng thi công, xây dựng soạn thảo sơ xài, không đầy đủ căn cứ quy định về quyền nghĩa vụ của các bên, nên đến khi phát sinh mâu thuẫn thường khó khăn và ảnh hưởng đến quyền lợi của một trong các bên.
– Đối với vi phạm tranh chấp hợp đồng xây dựng là xuất phát từ phía chủ đầu tư chủ yếu là sai phạm do khảo sát, thiết kế không cẩn thận; Chủ đầu tư đề xuất các yêu cầu vượt quá phạm vi hợp đồng, tự ý thay đổi thiết kế và quy phạm kỹ thuật, kéo dài thời gian giao tài liệu bản vẽ, kéo dài thời gian bàn giao mặt bằng; Chủ đầu tư hoặc đơn vị giám sát ra lệnh tăng/giảm khối lượng công trình hoặc yêu cầu kỹ thuật, chất lượng công trình mà không có sự thống nhất của nhà thầu thi công xây dựng công trình; Chủ đầu tư không thanh toán đúng tiến độ khối lượng công việc.
– Đối với vi phạm xuất phát từ phía nhà thầu chủ yếu là do thi công không đúng thiết kế, không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng công trình; Không thực hiện đúng như trong thoả thuận của hợp đồng, Kéo dài tiến độ thi công công trình, không chấp hành lệnh thay đổi của chủ đầu tư dẫn đến tổn thất kinh tế hoặc kéo dài ngày công; Tạm ngừng hoặc dừng công trình không có lý do hợp pháp.
– Từ các vi phạm trên, phát sinh loại tranh chấp phổ biến như: tranh chấp liên quan đến thiết kế; các yêu cầu bồi thường thiệt hại do công trình xây dựng bị chậm trễ, không bảo đảm chất lượng; bồi thường trong việc đơn phương chấm dứt hợp đồng thi công xây dựng; yêu cầu liên quan đến bảo hiểm công trình, yêu cầu liên quan đến bảo hành công trình, chậm trễ thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng…
– Liên quan đến việc xác định tính chất, mức độ lỗi trong vi phạm hợp đồng xây dựng của các bên và các yêu cầu bồi thường thiệt hại, phạt vi phạm cần lưu ý cần thiết phải có kết quả giám định của cơ quan chuyên môn theo quy định tại Luật Giám Định Tư Pháp trong việc xem xét, đánh giá chất lượng công trình, để từ đó xác định tính chất, mức độ lỗi và xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm hợp đồng. Khi xem xét mức phạt do vi phạm hợp đồng trong lĩnh vực xây dựng cần lưu ý áp dụng luật chuyên ngành là Luật Xây dựng năm 2014 (khoản 2 Điều 146) và Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng có mức phạt vi phạm tối đa không quá 12% giá trị vi phạm.
– Xuất phát từ bản chất dân sự của hợp đồng xây dựng theo quy định tại Khoản 1 Điều 138 Luật Xây Dựng 2014. Theo đó điều luật này đã quy định rõ Hợp Đồng xây dựng là hợp đồng dân sự. Nên khi có vấn đề tranh chấp phát sinh, Toà án sẽ căn cứ vào các nội dung, điều khoản các bên đã thoả thuận trong Hợp đồng. Nên việc ký kết Hợp đồng xây dựng ở giai đoạn đầu tiên rất quan trọng, vì sẽ đảm bảo quyền lợi của các bên khi có vấn đề tranh chấp xảy ra, tránh hậu quả sau này.
Các Doanh nghiệp, Chủ Đầu Tư, Bên Nhận Thầu, ở những giai đoạn đầu cần có Luật sư có chuyên môn hỗ trợ vấn đề tư vấn soạn thảo Hợp Đồng xây dựng, hỗ trợ giám sát nghiệm thu từng phần để lường trước những rủi ro, tranh chấp phát sinh sau này.
Công ty Luật Tư Minh, chuyện tư vấn, giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng, Hợp đồng thi công, tham gia tranh tụng tại tòa án.
Công ty Luật Tư Minh
Email: tuminhlaw@gmail.com
Đường dây nóng: 1900299208
Website: www.luattuminh.vn