Luật thừa kế đất đai không di chúc

Luật thừa kế đất đai không di chúc

Pháp luật thừa kế đất đai không di chúc hiện nay đã có khá nhiều các quy định cụ thể. Vậy nếu người để lại di sản thừa kế không để lại di chúc trong đó có quyền sử dụng đất thì tài sản sẽ được chia như thế nào? Điều kiện để hưởng thừa kế đất đai được quy định ra sao?

Qua bài viết sau đây, Luật Quang Huy xin cung cấp đến bạn các vấn đề liên quan đến luật thừa kế đất đai không di chúc.

1. Quyền thừa kế đất đai không có di chúc

Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình. Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015, người để lại di sản chết mà không có di chúc thì tài sản được chia thừa kế theo pháp luật. Một trong những tài sản có giá trị mà người chết để lại thường xảy ra tranh chấp đó là quyền sử dụng đất.

Quyền thừa kế đất đai không có di chúc bao gồm những trường hợp được quy định tại Bộ Luật Dân sự về những trường hợp thừa kế theo pháp luật như sau:

Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong những trường hợp sau đây:

  • Không có di chúc;
  • Di chúc không hợp pháp;
  • Những người thừa kế theo di chúc đều chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn vào thời điểm mở thừa kế;
  • Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối quyền nhận di sản.

Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:

  • Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;
  • Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;
  • Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối quyền nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn vào thời điểm mở thừa kế.

Như vậy, trường hợp không có di chúc thì tài sản sẽ được chia theo pháp luật. Như vậy, luật thừa kế không có di chúc chính là thừa kế theo pháp luật và được điều chỉnh bởi Bộ luật dân sự năm 2015.

Đồng thời, đất đai vẫn được xem là di sản và được chia theo pháp luật. Tuy nhiên, việc chia thừa kế mà di sản là đất đai còn chịu sự điều chỉnh của Luật đất đai năm 2013

2. Quyền sử dụng đất là di sản thừa kế

Tại Mục II Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP về thừa kế, tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất thì việc xác định quyền sử dụng đất là di sản được quy định như sau:

  • Đối với đất do người chết để lại (không phân biệt có tài sản hay không có tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất) mà người đó đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 1987, Luật Đất đai năm 1993, Luật Đất đai năm 2003 thì quyền sử dụng đất đó là di sản.
  • Đối với trường hợp đất do người chết để lại mà người đó có một trong các loại giấy quy định tại các Khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai năm 2003, thì kể từ ngày 01/7/2004 quyền sử dụng đất đó cũng là di sản, không phụ thuộc vào thời điểm mở thừa kế.
  • Trường hợp người chết để lại quyền sử dụng đất mà đất đó không có một trong các loại giấy tờ được hướng dẫn như hai trường hợp nêu trên nhưng có di sản là nhà ở, vật kiến trúc khác (như: nhà bếp, nhà tắm, nhà vệ sinh, giếng nước, nhà để ô tô, nhà thờ, tường xây làm hàng rào gắn với nhà ở, các công trình xây dựng trên đất được giao để sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh như nhà xưởng, kho tàng, hệ thống tưới, tiêu nước, chuồng trại chăn nuôi hay vật kiến trúc khác hoặc trên đất có các tài sản khác như cây lấy gỗ, cây lấy lá, cây ăn quả, cây công nghiệp hay các cây lâu năm khác) gắn liền với quyền sử dụng đất đó mà có yêu cầu chia di sản thừa kế, thì cần phân biệt các trường hợp sau:
  • Trong trường hợp đương sự có văn bản của Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền xác nhận việc sử dụng đất đó là hợp pháp, nhưng chưa kịp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì Toà án giải quyết yêu cầu chia di sản là tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất và quyền sử dụng đất đó.
  • Trong trường hợp đương sự không có văn bản của Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền xác nhận việc sử dụng đất đó là hợp pháp, nhưng có văn bản của Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền cho biết rõ là việc sử dụng đất đó không vi phạm quy hoạch và có thể được xem xét để giao quyền sử dụng đất, thì Toà án giải quyết yêu cầu chia di sản là tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất. Đồng thời phải xác định ranh giới, tạm giao quyền sử dụng đất đó cho đương sự để Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền tiến hành các thủ tục giao quyền sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đương sự theo quy định của pháp luật về đất đai.
  • Trong trường hợp Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền có văn bản cho biết rõ việc sử dụng đất đó là không hợp pháp, di sản là tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất không được phép tồn tại trên đất đó, thì Toà án chỉ giải quyết tranh chấp về di sản là tài sản trên đất đó.
  • Trường hợp người chết để lại quyền sử dụng đất mà đất đó không có một trong các loại giấy tờ quy định và cũng không có di sản là tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất được hướng dẫn như trường hợp trên, nếu có tranh chấp thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Uỷ ban nhân dân theo quy định của pháp luật về đất đai.

3. Điều kiện hưởng thừa kế đất đai không có di chúc

Việc chia thừa kế đất đai không có di chúc ngoài việc phải tiến hành chia thừa kế theo pháp luật. Theo quy định tại Điều 188 Luật Đất đai 2013 thì người nhận thừa kế quyền sử dụng đất thì phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

  • Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
  • Đất không có tranh chấp;
  • Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
  • Đất đai thừa kế đang trong thời hạn sử dụng đất

4. Thủ tục khai nhận thừa kế quyền sử dụng đất không có di chúc

4.1. Trường hợp từ chối nhận di sản thừa kế

Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản trừ trường hợp từ chối nhận di sản nhằm trốn tránh nghĩa vụ của người để lại di sản; trong trường hợp người thừa kế từ chối nhận di sản để phần thừa kế nhà đất cho một người thì người thừa kế có thể yêu cầu công chứng văn bản từ chối nhận di sản.

Theo Điều 59 Luật Công chứng 2014, khi yêu cầu công chứng văn bản từ chối nhận di sản, người yêu cầu công chứng phải chuẩn bị giấy tờ sau:

  • Giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người yêu cầu công chứng theo pháp luật như giấy khai sinh, sổ hộ khẩu,…
  • Giấy chứng tử hoặc giấy tờ khác chứng minh người để lại di sản đã chết.

4.2. Trường hợp các bên thỏa thuận việc phân chia di sản

Căn cứ khoản 2 Điều 57 Luật Công chứng 2014, người thừa kế chuẩn bị hồ sơ công chứng văn bản thỏa thuận gồm các giấy tờ sau đây:

  • Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở.
  • Giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế như giấy khai sinh, sổ hộ khẩu,…
  • Giấy chứng tử của người để lại di sản.
  • Chứng minh nhân dân/căn cước công dân hoặc hộ chiếu của người thừa kế.
  • Văn bản thỏa thuận về việc những người thừa kế đồng ý tặng cho phần thừa kế của mình cho một người (có thể chuẩn bị trước hoặc yêu cầu tổ chức công chứng soạn thảo).

Việc công chứng Văn bản thỏa thuận phân chia di sản được thực hiện tại Phòng công chứng của Nhà nước hoặc Văn phòng công chứng tư nhân.

Sau khi kiểm tra hồ sơ đầy đủ, phù hợp quy định của pháp luật, cơ quan công chứng tiến hành thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản.

Việc thụ lý phải được niêm yết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày niêm yết. Việc niêm yết do tổ chức hành nghề công chứng thực hiện tại trụ sở của Ủy ban nhân cấp xã nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản; trường hợp không xác định được nơi thường trú cuối cùng thì niêm yết tại nơi tạm trú có thời hạn cuối cùng của người đó.

Sau 15 ngày niêm yết, không có khiếu nại, tố cáo gì thì cơ quan công chứng chứng nhận văn bản thừa kế. Các đồng thừa kế có thể lập Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế theo quy định tại Điều 57 Luật Công chứng 2014.

Sau khi công chứng văn bản thừa kế, người được hưởng di sản thực hiện thủ tục đăng ký quyền tài sản tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng tài nguyên và môi trường cấp huyện nơi có đất.

5. Cách giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất không có di chúc

Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất không có di chúc tương tự như giải quyết tranh chấp thông thường. Tuy nhiên cần lưu ý về thẩm quyền giải quyết tranh chấp được áp dụng theo Điều 203 Luật Đất đai 2013 như sau:

Thứ nhất, tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;

Thứ hai, tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:

  • Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện hoặc tỉnh nơi có đất.
  • Khởi kiện tại Tòa án Nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

6. Cơ sở pháp lý

  • Bộ luật dân sự năm 2015;
  • Luật đất đai năm 2013;
  • Luật công chứng năm 2014;
  • Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP về thừa kế, tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất.

Qua bài viết này, chúng tôi đã cung cấp cho bạn đầy đủ thông tin về thủ tục thừa kế quyền sử dụng đất không có di chúc.

Luật Tư Minh là công ty có kinh nghiệm không chỉ trong việc tư vấn pháp luật Đất đai mà còn có bề dày kinh nghiệm trong vai trò là hỗ trợ các thủ tục liên quan đến thừa kế quyền sử dụng đất không có di chúc trong cả nước.

********
Công Ty Luật TNHH Tư Minh
Địa chỉ 1: Số 16 Đường D21 P. Phước Long B, Tp Thủ Đức
Địa chỉ 2: Đường DT747, KP4, phường Uyên Hưng, TP. Tân Uyên, Tỉnh Bình Dương.
Địa chỉ 3: Văn phòng đại diện Số 80 đường Song Hành, KDT Lakeview City, phường An Phú, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh.
Hotline: 1900 299 208
Website: www luattuminh vn
*****************************
LUẬT TƯ MINH – TÂM SÁNG TRÍ MINH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *