Một điểm đáng lưu ý, nhiều doanh nghiệp nằm trong diện chậm công bố thông tin đều có kết quả kinh doanh liên tục âm và vay nợ rất cao.
Phổ biến doanh nghiệp vi phạm công bố thông tin
HNX đã quyết định đưa 29 mã cổ phiếu trên UPCoM vào diện đình chỉ giao dịch, bắt đầu từ hôm nay 15-12.
Theo HNX, tính đến ngày 15-12, trên UPCoM có 44 cổ phiếu bị đình chỉ giao dịch. Việc đình chỉ chủ yếu do tổ chức niêm yết chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán từ 3 năm tài chính liên tiếp trở lên.
Tình trạng vi phạm công bố thông tin diễn ra khá phổ biến trên cả 3 sàn, không riêng gì UPCoM. Trong đó, việc không công bố báo cáo tài chính kiểm toán nhiều năm là vi phạm nghiêm trọng.
Thống kê mục thanh tra – giám sát Ủy ban Chứng khoán nhà nước, chỉ hơn một tháng, từ đầu tháng 11 đến nay, hơn 20 quyết định xử phạt doanh nghiệp không công bố thông tin hoặc công bố nhưng sai lệch.
Còn theo dữ liệu WiGroup cung cấp cho Tuổi Trẻ Online, đến ngày 15-12, cả thị trường có hơn 270/1.585 doanh nghiệp vi phạm công bố thông tin theo quy định.
Số liệu cũng thể hiện nếu năm 2022, doanh nghiệp chưa đáp ứng được quy định về công bố thông tin thì sang năm 2023 các lỗi này vẫn có xu hướng tăng.
Trong đó có một loạt cổ phiếu từng là những tên tuổi lớn trên sàn niêm yết… Vấn đề chủ yếu do chưa công bố báo cáo tài chính được kiểm toán/soát xét theo quy định.
Vì sao doanh nghiệp cố “ém” thông tin?
Số liệu từ WiGroup – đơn vị chuyên dữ liệu – còn chỉ ra nhiều doanh nghiệp vi phạm công bố thông tin nằm trong diện thay đổi kiểm toán liên tục hoặc bị nêu ý kiến về khả năng hoạt động liên tục.
Cụ thể, thống kê thực trạng ý kiến kiểm toán, trong tổng số 253/270 doanh nghiệp vi phạm công bố thông tin, chỉ có 36% doanh nghiệp được công ty kiểm toán “chấp nhận toàn phần”. Còn lại chủ yếu là “ý kiến ngoại trừ” và “từ chối”.
Đáng lo ngại khi tỉ trọng doanh nghiệp chấp nhận toàn phần ngày càng ít đi, giảm từ 59% xuống còn 36% 5 năm qua.
Thay vào đó, kiểm toán nêu ý kiến ngoại trừ và ý kiến từ chối có xu hướng gia tăng. Điều này chứng tỏ những doanh nghiệp công bố chậm thông tin thường có “nhiều vấn đề” về số liệu báo cáo tài chính.
Dữ liệu cũng cho thấy các doanh nghiệp nằm trong diện cảnh báo thường xuyên thay đổi đơn vị kiểm toán.
Về chất lượng đơn vị kiểm toán năm 2022, nhóm Big 4 chỉ chiếm 12% trong tổng 90 doanh nghiệp được chấp nhận toàn phần.
Dưới góc nhìn những chuyên gia tài chính, việc thay đổi đột ngột và thường xuyên đơn vị kiểm toán độc lập là một trong các dấu hiệu có điểm gì đó “bất ổn”.
Một điểm lưu ý khác, nhiều doanh nghiệp diện chậm công bố thông tin đều có tình hình kết quả kinh doanh liên tục âm và vay nợ rất cao.
Dựa trên số liệu báo cáo tài chính của 146/253 doanh nghiệp công bố thông tin chậm ghi nhận đòn bẩy nợ vay ở mức rất cao và xu hướng liên tục tăng. Đi cùng là lợi nhuận sau thuế âm.
“Điều này phản ánh công ty không tạo ra dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và phải thực hiện vay nợ để duy trì hoạt động sản xuất. Nếu tiếp diễn thời gian dài có thể rơi vào tình trạng phá sản”, WiGroup chỉ ra.
Những ghi nhận nêu trên cũng chứng minh luận điểm, nhiều doanh nghiệp cố ý không khai báo đầy đủ thông tin nhằm hạn chế khả năng phân tích của nhà đầu tư. Từ đó, doanh nghiệp có thể “giấu” tình hình kinh doanh, nợ tiềm tàng, giao dịch nội bộ, sự kiện bất thường…
Nguồn: Báo Tuổi trẻ
*************
LUẬT TƯ MINH – TÂM SÁNG TRÍ MINH
⚖️Công Ty Luật TNHH Tư Minh
👉Địa chỉ: Số 16 Đường D21 P. Phước Long B, Tp Thủ Đức
☎ Hotline: 1900 299 208
Website: www.luattuminh.vn
*****************************
LUẬT SƯ VŨ XUÂN HOẰNG – LUẬT TƯ MINH
– Đội ngũ Luật sư giỏi, 20 năm kinh nghiệm.
– Tư vấn, xử lý gần 10,000 nhiều vụ kiện lớn nhỏ.
– Trung thực, minh bạch, bảo mật, có trách nhiệm
– Luôn bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho mọi khách hàng
LUẬT TƯ MINH – TÂM SÁNG TRÍ MINH