Lên mạng đặt hoa tặng người yêu, nhiều người “sập bẫy” lừa đảo tinh vi
Sau khi chuyển khoản 850.000 đồng mua hoa tặng người thân, M. (Hà Nội) bị tiệm hoa tươi “chặn liên lạc”, ngỡ ngàng vì bị lừa đảo trắng trợn.
Lừa khách hàng chuyển tiền rồi chặn tài khoản tức thì
Trưa 20/10, N.T.M. (25 tuổi, Hà Nội) đặt một bó hoa tươi tặng người thân từ tiệm hoa tên F. trên mạng xã hội. Do ngày lễ, khách muốn giao hàng ngay trong buổi chiều, tiệm yêu cầu anh thanh toán trước 100%, được miễn phí giao hàng.
Kiểm tra số tài khoản ngân hàng hiển thị tên doanh nghiệp, không phải tài khoản cá nhân, M. yên tâm giao dịch 850.000 đồng.
Sau khi tài khoản trừ tiền, anh thông báo với nhân viên tiệm hoa nhưng không được phản hồi. Anh tiếp tục nhắn tin, bất ngờ khi màn hình hiển thị “không thể gửi”, gọi điện theo số hotline thì không liên lạc được.
“Tôi ngỡ ngàng vì bị lừa đảo trắng trợn. Tôi từng đặt hoa online vài lần, nhưng chưa nghĩ sẽ rơi vào tình cảnh này”, M. kể.
Sau khi lừa tiền khách hàng, tiệm F. chặn tài khoản của N.T.M. Theo thông tin trên mạng xã hội, cửa hàng này có hai cơ sở tại Hà Nội và TPHCM, nhưng đều là địa chỉ ảo.
Từ số tài khoản ngân hàng doanh nghiệp, M. tìm ra tên công ty “TNHH H.M.G.”, trụ sở tại Long An, mới được thành lập ngày 6/10. Số điện thoại của chủ sở hữu thuộc danh sách “không thể liên lạc”.
(Sau khi lừa khách hàng chuyển tiền, các đối tượng sẽ chặn mọi tài khoản)
Không riêng M., nhiều người dùng mạng xã hội cho biết cũng bị dính bẫy lừa đảo của các đối tượng giả danh cửa hàng bán hoa tươi online dịp 20/10.
Lần đầu tiên đặt hoa, Phạm Hoàng Phương Hà, 30 tuổi, TP Thủ Đức (TPHCM) bị trang mạng xã hội có tên “May Fleur – Tiệm hoa tươi” lừa chuyển khoản 350.000 đồng.
“Thấy hoa đẹp, giá cả phải chăng, Fanpage có hơn 10.000 lượt yêu thích và được miễn phí giao hàng, tôi không nghĩ nhiều mà chuyển khoản luôn”, Hà nhớ lại, sau giao dịch, tài khoản của cô bị tiệm hoa chặn liên lạc.
Nữ khách hàng đăng bài cảnh báo lên một hội nhóm đông thành viên, phát hiện hơn 20 người khác cũng bị “May Fleur – Tiệm hoa tươi” lừa đảo cùng một chiêu thức, từ 200.000 đồng đến hơn một triệu đồng.
Theo Hà, những tiệm hoa lừa đảo thường vận hành bằng các Fanpage chuyên nghiệp, có nhiều lượt yêu thích và theo dõi, tương tác bài viết, chạy chương trình quảng cáo để dễ dàng tiếp cận nhiều người dùng.
Kiểm tra kỹ những trang mạng xã hội này, khách hàng sẽ nhận ra thông tin hiển thị về địa chỉ, số điện thoại, hình ảnh sản phẩm đều là giả. Các đối tượng lấy lý do “ngày lễ đông khách”, yêu cầu thanh toán trước, tư vấn chỉn chu, nói rằng hoa sẽ được giao miễn phí để tạo lòng tin.
Tuy nhiên, sau khi khách hàng chuyển tiền, các tiệm này sẽ “bay màu”, khóa trang Fanpage tức thì. Nhiều khách hàng loay hoay vì không gửi được tin nhắn cho tiệm, bất lực bị lừa đảo trắng trợn.
“Mấy ngày sau, tiệm mở lại trang Fanpage, đổi tên và tiếp tục đi lừa đảo”, Hà cho hay.
Hoàng Lan, 24 tuổi, quận 3 (TPHCM), là nạn nhân lừa đảo của “May Fleur – Tiệm hoa tươi” với số tiền 550.000 đồng khi đặt mua hai bó hoa tặng người thân. Sau khi chốt số lượng và mẫu mã, tiệm này đề nghị Lan chuyển khoản 100% tiền hoa.
“Lần đầu mua hoa qua mạng nên để đảm bảo, tôi nói chuyển 50% trước, khi tiệm hoàn thiện sản phẩm và gửi ảnh sẽ gửi 50% còn lại. Sau thương lượng, tiệm đồng ý với đề xuất này”, Lan nhớ lại.
Tuy nhiên, vài ngày sau khi chuyển 50% tiền hoa, cô phát hiện tiệm đã khóa Fanpage, không thể gửi tin nhắn.
Khi biết nhiều người mua hàng tại đây cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, Lan đăng tải video cảnh báo, “bóc” thêm chiêu trò lừa tiền, khóa Fanpage vài ngày để khách hàng không thể báo cáo tài khoản.
Bóc mẽ chiêu trò tinh vi của các đối tượng
Anh Phạm Huy, chủ tiệm Flower.L ở TPHCM, cho biết nửa năm trước, anh phát hiện một trang mạng xã hội tên “May Bloom” chuyên lấy cắp hình ảnh của tiệm anh để “câu khách”. Tiệm này liên tục bị khách hàng đánh giá một sao, tố chất lượng hoa không giống hình ảnh.
Đội ngũ truyền thông của Flower.L đã yêu cầu “May Bloom” gỡ hình ảnh. Nhưng sau hai tháng, họ tiếp tục chiêu thức cũ, đăng tải ảnh lên mạng xã hội để “tìm con mồi”.
“Đến nay, chúng tôi thống kê bị ăn cắp 60-70% hình ảnh”, anh Huy nói, bức xúc việc những tiệm lừa đảo giảm giá một nửa so với thực tế, đánh vào tâm lý “ham rẻ” của khách hàng.
Theo anh Huy, những tiệm hoa lừa đảo có thể mua những trang Fanpage có lượt theo dõi khủng (lên đến 50.000 người) để tăng độ “uy tín”. Khách hàng thấy lượng tương tác lớn, đánh vào tâm lý, nhưng thực chất là chiêu trò.
Các đối tượng thường chạy chương trình quảng cáo trên mạng xã hội nhằm tăng độ tiếp cận, chọn lừa đảo số tiền dưới 500.000 đồng để dễ “chốt đơn”. Sau khi bị bóc phốt, chúng tạm thời đóng Fanpage, sau đó mở lại, đổi tên, tiếp tục hành vi lừa đảo.
Anh Nguyễn Hưng, đồng sáng lập dự án Chống Lừa Đảo, cho biết đây là hình thức lừa đảo không mới, là biến thể của hình thức lừa đảo “rao bán hàng giả, hàng nhái qua sàn thương mại điện tử” nằm trong “Cẩm nang nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến” do Cục an toàn thông tin thuộc Bộ thông tin và truyền thông công bố.
Theo chuyên gia, trong trường hợp này, các đối tượng sẽ tạo ra các Fanpage giả mạo các thương hiệu khác, sau đó đăng bài bán hàng với giá rẻ hơn thị trường và chạy quảng cáo.
Khi khách hàng liên hệ, các đối tượng sẽ yêu cầu đặt cọc hoặc thanh toán trước. Khi “nạn nhân” chuyển khoản, chúng sẽ lập tức chặn người dùng khỏi Fanpage và chặn tin nhắn.
“Các tài khoản ngân hàng hiện nay rất dễ có được bằng việc thuê người đăng ký hoặc thậm chí có dịch vụ mua bán tài khoản ngân hàng. Các tài khoản này sẽ được các đối tượng mua lại và sau đó dùng cho mục đích lừa đảo”, anh Hưng nói.
Chuyên gia phân tích, khi tiền vào tài khoản sẽ được tự động chuyển lòng vòng sang các tài khoản khác, chuyển lên tiền ảo hoặc chuyển ra nước ngoài và từ đó mất dấu nên khó có khả năng truy vết.
Ngoài ra, các đối tượng này không cung cấp thông tin liên hệ rõ ràng, như: địa chỉ, số điện thoại… khiến việc theo dõi và giải quyết các vấn đề liên quan trở nên khó khăn.
Để phòng chống và tránh bị lừa đảo khi mua hàng trực tuyến nói chung, anh Hưng khuyến cáo người dân nghiên cứu, đánh giá nguồn gốc người bán (thông tin, địa chỉ, số điện thoại); kiểm tra thông tin chi tiết về sản phẩm (hình ảnh, chất lượng); tìm hiểu ý kiến và đánh giá từ người mua khác về người bán và sản phẩm để có cái nhìn tổng quan.
Với giao dịch trên mạng xã hội, chuyên gia khuyên người tiêu dùng kiểm tra tính chính chủ của trang Fanpage, số lượng người theo dõi, đường dẫn của Fanpage so với đường dẫn được công bố trên website chính thức của doanh nghiệp.
“Hãy luôn cảnh giác và suy nghĩ kỹ trước khi thao tác mua hàng trực tuyến trên sàn thương mại điện tử và mạng xã hội, lựa chọn các thương hiệu quen thuộc, uy tín mà bạn hoặc người thân đã giao dịch thành công trước đây”, chuyên gia nói.
Vào dịp cao điểm, cộng đồng bán hoa ở Việt Nam liên tục cảnh báo về chiêu trò lừa đảo của các tiệm hoa online, chỉ đích danh hành vi của “May Fleur – Tiệm hoa tươi”.
Anh Phạm Huy khuyến cáo khách hàng cần xác nhận thông tin, độ uy tín của tiệm hoa trước khi chuyển khoản. Với những khách lần đầu giao dịch, chưa đủ tin tưởng với tiệm, nên gọi điện trực tiếp để kiểm tra thông tin.
“Thậm chí có những khách hàng cẩn thận yêu cầu qua tận cửa hàng để chốt mẫu hoa, nhưng thực chất xem cửa hàng có thực sự tồn tại hay không”, anh Huy nói, hy vọng tình trạng lừa đảo này sẽ chấm dứt trong lúc ngành hoa đang bước vào giai đoạn nhu cầu cao.
Nguồn: Báo Dân trí
***************
LUẬT TƯ MINH
Địa chỉ: Số 16 Đường D21 P. Phước Long B, Tp Thủ Đức
Hotline: 1900 299 208
Website: www.luattuminh.vn
LUẬT TƯ MINH – TÂM SÁNG TRÍ MINH