KHAI NHẬN DI SẢN THỪA KẾ NHƯ THẾ NÀO ?
Khai nhận di sản thừa kế là thủ tục nhằm xác lập quyền tài sản đối với di sản thừa kế của người thụ hưởng trong di chúc hoặc người thuộc hàng thừa kế theo quy định của pháp luật tại thời điểm phát sinh quyền thừa kế sau khi người để lại di sản chết.
Sau thời điểm mở thừa kế, đề thực hiện việc chuyển giao quyền sở hữu tài sản từ người đã chết sang người thừa kế có hai loại thủ tục là thủ tục khai nhận di sản hoặc thủ tục thỏa thuận phân chia di sản.
Trường hợp áp dụng thủ tục khai nhận di sản thừa kế:
Căn cứ theo Điều 58 khoản 1 Luật Công chứng 2014 hướng dẫn thủ tục công chứng, chứng thực việc thực hiện thủ tục khai nhận di sản được áp dụng đối với trường hợp “Người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật hoặc những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó có quyền yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản.”
Do đó, so với việc những người cùng hàng thừa kế nêu tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 phân chia cụ thể phần di sản của từng người thì khai nhận thừa kế lại thống nhất không chia di sản đó hoặc khi người thừa kế chỉ có duy nhất một người.
Trường hợp áp dụng thỏa thuận phân chia di sản thừa kế
Căn cứ theo khoản 1 Điều 57 Luật Công chứng 2014 hướng dẫn thủ tục công chứng, chứng thực thì thủ tục thỏa thuận phân chia di sản được áp dụng trong trường hợp :“Những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì có quyền yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản.”
Hồ sơ thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế
a) Giấy tờ chung:
– Phiếu yêu cầu công chứng theo mẫu;
– Giấy chứng tử của người để lại di sản;
– Các giấy tờ chứng minh về tài sản của người để lại di sản bao gồm: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; sổ tiết kiệm, Giấy đăng ký xe; Giấy chứng nhận cổ phần,…;
– Giấy tờ về nhân thân của người thừa kế: CMND, hộ khẩu;
b) Trường hợp có di chúc và di chúc ghi rõ cách phân chia tài sản, bạn cần cung cấp thêm: Di chúc
c) Trường hợp không có di chúc hoặc có di chúc nhưng di chúc không ghi rõ cách phân chia di sản, bạn cần cung cấp thêm:
– Tờ tường trình và cam kết về quan hệ nhân thân
– Giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân giữa người thừa kế theo pháp luật với người để lại di sản trường hợp không có di chúc: hộ khẩu, giấy khai sinh, tờ khai nhân khẩu;
Thủ tục tiến hành
Sau khi kiểm tra hồ sơ thấy đầy đủ, phù hợp quy định của pháp luật, cơ quan công chứng tiến hành thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản. Việc thụ lý phải được niêm yết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày niêm yết. Việc niêm yết do tổ chức hành nghề công chứng thực hiện tại trụ sở của Ủy ban nhân cấp xã nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản; trường hợp không xác định được nơi thường trú cuối cùng thì niêm yết tại nơi tạm trú có thời hạn cuối cùng của người đó.
Theo Điều 18 Nghị định 29/2015/NĐ-CP quy định:
+ Trường hợp di sản gồm cả bất động sản và động sản hoặc di sản chỉ gồm có bất động sản thì việc niêm yết được thực hiện theo quy định tại Khoản này và tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có bất động sản.
+ Trường hợp di sản chỉ gồm có động sản, nếu trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng và nơi thường trú hoặc tạm trú có thời hạn cuối cùng của người để lại di sản không ở cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì tổ chức hành nghề công chứng có thể đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú hoặc tạm trú có thời hạn cuối cùng của người để lại di sản thực hiện việc niêm yết.
********
Công Ty Luật TNHH Tư Minh
Địa chỉ 1: Số 16 Đường D21 P. Phước Long B, Tp Thủ Đức
Địa chỉ 2: Đường DT747, KP4, phường Uyên Hưng, TP. Tân Uyên, Tỉnh Bình Dương.
Địa chỉ 3: Văn phòng đại diện Số 80 đường Song Hành, KDT Lakeview City, phường An Phú, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh.
Hotline: 1900 299 208
Website: www luattuminh vn
*****************************
LUẬT TƯ MINH – TÂM SÁNG TRÍ MINH