Khai Nhận Di Sản Thừa Kế Đang Thế Chấp Có Được Không

Lập di chúc đối với tài sản đang thế chấp

Thế chấp là một trong 9 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Điều 317 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp). Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp.

Tài sản thế chấp phải bảo đảm theo Điều 295 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau: Tài sản bảo đảm phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm; tài sản bảo đảm có thể được mô tả chung, nhưng phải xác định được; tài sản bảo đảm có thể là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai; giá trị của tài sản bảo đảm có thể lớn hơn, bằng hoặc nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm.

Ngoài ra, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định một số trường hợp liên quan đến tài sản thế chấp: Trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất mà tài sản gắn liền với đất thuộc quyền sở hữu của bên thế chấp thì tài sản gắn liền với đất cũng thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác (khoản 3 Điều 318). Trong thực tế, tài sản thế chấp phần lớn là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, xe ô tô.

Điều 320 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định nghĩa vụ của bên thế chấp. Trong đó, có nghĩa vụ không được bán, thay thế, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp, trừ trường hợp:

(1) Được bán, thay thế, trao đổi tài sản thế chấp, nếu tài sản đó là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Trong trường hợp này, quyền yêu cầu bên mua thanh toán tiền, số tiền thu được, tài sản hình thành từ số tiền thu được, tài sản được thay thế hoặc được trao đổi trở thành tài sản thế chấp. Trường hợp tài sản thế chấp là kho hàng thì bên thế chấp được quyền thay thế hàng hóa trong kho, nhưng phải bảo đảm giá trị của hàng hóa trong kho đúng như thỏa thuận.

(2) Được bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp không phải là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nếu được bên nhận thế chấp đồng ý hoặc theo quy định của luật.

 Theo các quy định trên, trường hợp tài sản đang thế chấp thì bên thế chấp vẫn có quyền lập di chúc đối với tài sản này. Vậy khi lập di chúc thì có cần phải được sự đồng ý của bên nhận thế chấp hay phải thông báo cho bên nhận thế chấp biết hay không? Căn cứ theo các quy định pháp luật hiện hành, không đề cập đến vấn đề này.

Mặt khác, xét về mặt lý luận, bên thế chấp vẫn là bên có quyền sở hữu/quyền sử dụng đối với tài sản thế chấp. Vì vậy, về cơ bản, bên thế chấp vẫn có những quyền của chủ sở hữu/sử dụng nhưng bị hạn chế theo quy định; và vẫn có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình, để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật. Người lập di chúc có quyền giữ bí mật nội dung di chúc.

        Tuy nhiên, theo thực tiễn, nếu di chúc được công chứng thì phải bảo đảm thủ tục công chứng. Khoản 8 Điều 40 Luật Công chứng năm 2014 quy định “Công chứng viên yêu cầu người yêu cầu công chứng xuất trình bản chính của các giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này để đối chiếu trước khi ghi lời chứng, ký vào từng trang của hợp đồng, giao dịch”.

Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 của Chính phủ thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ quy định: Trường hợp tài sản bảo đảm được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác hoặc để thực hiện giao dịch dân sự khác mà bên nhận bảo đảm đang giữ bản chính Giấy chứng nhận thì người này giao bản chính Giấy chứng nhận cho chủ thể trong giao dịch liên quan hoặc thực hiện nghĩa vụ khác theo thỏa thuận để chủ thể trong giao dịch liên quan thực hiện thủ tục theo quy định của pháp luật. Trường hợp bên nhận bảo đảm giao bản chính Giấy chứng nhận cho chủ thể trong giao dịch liên quan thì chủ thể đã nhận phải giao lại bản chính Giấy chứng nhận cho bên nhận bảo đảm ngay sau khi thực hiện xong thủ tục, nếu chậm hoặc không giao lại bản chính Giấy chứng nhận mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Bên bảo đảm được dùng bản sao Giấy chứng nhận và bản chính văn bản xác nhận còn hiệu lực của bên nhận bảo đảm về việc giữ bản chính Giấy chứng nhận để sử dụng hoặc lưu hành tài sản.

       Như vậy, để thực hiện công chứng di chúc thì bên thế chấp đã gián tiếp được sự đồng ý của bên nhận thế chấp về việc lập di chúc thông qua thủ tục giao nhận Giấy chứng nhận như trên.

Khai nhận di sản thừa kế đang thế chấp được không

Khai nhận di sản thừa kế đang thế chấp được không

Tài sản đang thế chấp có khai nhận thừa kế được không?

Như phân tích ở trên, căn cứ khoản 8 Điều 40 Luật Công chứng năm 2014, khi yêu cầu công chứng giao dịch, hợp đồng, người yêu cầu công chứng phải xuất trình bản chính các giấy tờ sau đây để đối chiếu trước khi công chứng:

– Giấy tờ tuỳ thân của người yêu cầu công chứng: Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn giá trị, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú…

– Giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng tài sản (Sổ đỏ, Giấy đăng ký xe…)

Như vậy, khi muốn phân chia di sản thừa kế, các đồng thừa kế phải xuất trình bản chính Sổ đỏ trước khi Công chứng viên ký chứng nhận Văn bản thoả thuận phân chia di sản thừa kế. Do đó, nếu muốn phân chia di sản thừa kế, các đồng thừa kế phải thực hiện xoá đăng ký thế chấp Sổ đỏ.

Trình tự, thủ tục phân chia di sản thừa kế trong trường hợp này thực hiện như sau:

– Điều 327 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định thế chấp tài sản chấm dứt trong trường hợp sau đây: 1. Nghĩa vụ được bảo đảm bằng thế chấp chấm dứt. 2. Việc thế chấp tài sản được hủy bỏ hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác. 3. Tài sản thế chấp đã được xử lý. 4. Theo thỏa thuận của các bên.

Điều 422 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định Hợp đồng chấm dứt trong trường hợp: 1. Hợp đồng đã được hoàn thành; 2. Theo thỏa thuận của các bên; 3. Cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân giao kết hợp đồng chấm dứt tồn tại mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân đó thực hiện; 4. Hợp đồng bị hủy bỏ, bị đơn phương chấm dứt thực hiện; 5. Hợp đồng không thể thực hiện được do đối tượng của hợp đồng không còn; 6. Hợp đồng chấm dứt khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản (theo quy định tại Điều 420 của Bộ luật Dân sự); 7. Trường hợp khác do luật quy định.

Như vậy, khi cá nhân chết mà hợp đồng không phải do chính cá nhân đó thực hiện thì không đương nhiên chấm dứt; và việc thế chấp tài sản cũng không chấm dứt khi không có các căn cứ tại Điều Điều 327 Bộ luật Dân sự năm 2015.

– Xoá đăng ký thế chấp: Thanh toán đầy đủ các khoản vay với ngân hàng, họp những người thừa kế để cử người đại diện thực hiện các công việc sau: Ký kết các giấy tờ liên quan đến việc vay vốn, lấy Sổ đỏ ra khỏi ngân hàng, thực hiện thủ tục xoá đăng ký thế chấp tại Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất

– Công chứng thoả thuận phân chia di sản thừa kế:

+ Hồ sơ cần chuẩn bị: Phiếu yêu cầu công chứng, giấy tờ tuỳ thân của các đồng thừa kế, Giấy chứng tử của người để lại di sản, Sổ đỏ, Giấy khai sinh của con, Đăng ký kết hôn của người để lại di sản thừa kế…

+ Cơ quan thực hiện thủ tục: Văn phòng/Phòng công chứng có trụ sở tại nơi có đất.

+ Thời gian thực hiện: Niêm yết công khai 15 ngày tại Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi có đất và nơi cư trú cuối cùng (nếu hai nơi này khác nhau); thực hiện công chứng trong thời gian không quá 02 ngày làm việc. Nếu vụ việc phức tạp, cần phải xác minh thì thời gian công chứng không quá 10 ngày làm việc.

+ Phí, lệ phí công chứng: Thu theo giá trị tài sản của tài sản theo quy định tại Điều 4 Thông tư 257 năm 2016 của Bộ Tài chính.

VÌ SAO CHỌN LUẬT TƯ MINH:

✧ Đội ngũ LUẬT SƯ GIỎI 20 năm kinh nghiệm

✧ Có trách nhiệm, chuyên nghiêp với trình độ chuyên môn cao

✧ Hoạt động đa lĩnh vực: Hình sự, Dân sự, Đất đai, Hôn nhân.

✧ Tư vấn, xử lý gần 10,000 nhiều vụ kiện lớn nhỏ.

✧ Kinh nghiệm thực chiến và xử lý thắng kiện nhiều VỤ ÁN LỚN: dân sự, hình sự….

✧ Trung thực, minh bạch, bảo mật, chuyên nghiệp, có trách nhiệm

✧ Luôn bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho mọi khách hàng

LUẬT TƯ MINH 

☎️ Hotline: 1900299208

📣 Website : www.luattuminh.vn 

  Face book :  LUẬT TƯ MINH   www.facebook.com/ctyluattuminh

 Tik tok  LUẬT TƯ MINH https://www.tiktok.com/@luat.tu.minh

 Youtube: LUẬT TƯ MINH  https://www.youtube.com/@luattuminh

📧 Email: tuminhlaw@gmail.com

👉LUẬT TƯ MINH – TÂM SÁNG TRÍ MINH 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *