Trong thời gian qua, thực tế phát sinh nhiều trường hợp người muốn vay tiền và để được cho vay, họ làm “hợp đồng giả cách” chuyển nhượng quyền sử dụng đất, để rồi sau đó đứng trước nguy cơ mất trắng tài sản.
Hợp đồng giả cách là gì?
Hợp đồng giả cách là một khái niệm được đưa ra để chỉ những trường hợp khi các bên tham gia hợp đồng tạo ra một giao dịch dân sự khác nhằm che giấu thực chất của giao dịch chính. Tức là, trong hợp đồng giả cách, các bên tham gia sẽ tạo ra một giao dịch khác, không phải là giao dịch chính, nhằm che giấu thực chất của giao dịch đó.
Pháp luật Việt Nam hiện chưa có quy định chặt chẽ về hợp đồng giả cách, tuy nhiên, cụm từ này đang trở nên phổ biến trên các trang tư vấn pháp luật và gây tranh cãi đối với các bên tham gia hợp đồng. Hợp đồng giả cách được coi là một biến tướng của hợp đồng mua bán tài sản, vì trong đó cũng chứa đựng việc chuyển quyền sở hữu tài sản và trả tiền cho bên bán như trong hợp đồng mua bán tài sản.
Như vậy, “hợp đồng giả cách” có giá trị pháp lý hay không. Pháp luật có quy định như thế nào để điều chỉnh đối với loại hợp đồng này?
Về loại hình hợp đồng giả cách, từ Điều 123 đến Điều 129 Bộ Luật dân sự năm 2015 có quy định về các trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu, trong đó có trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo, được quy định tại Điều 124 Bộ Luật dân sự 2015 như sau: “1. Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác thì giao dịch dân sự giả tạo vô hiệu, còn giao dịch dân sự bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan. 2. Trường hợp xác lập giao dịch dân sự giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch dân sự đó vô hiệu”.
Nghĩa là, Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác thì giao dịch dân sự giả tạo đó vô hiệu, còn giao dịch dân sự bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ Luật dân sự 2015 hoặc luật khác có liên quan.
Như vậy, dưới góc độ pháp lý, hợp đồng được xác lập về mặt hình thức nhưng không phải là ý chí của các bên, các bên không thực hiện các nghĩa vụ theo nội dung hợp đồng đã ký kết, việc ký kết hợp đồng này chỉ để đảm bảo thực hiện một nghĩa vụ nào đó của một hợp đồng khác, che giấu bởi một giao dịch khác thì đây là hợp đồng giả tạo (hay còn gọi là hợp đồng giả cách) mà không phải là ý chí thực, nguyện vọng, mục đích, mong muốn thực sự của các bên khi ký hợp đồng này. Chính vì vậy, hợp đồng này không phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa các bên, pháp luật không thừa nhận và bảo vệ quyền lợi của các bên khi tham gia loại hợp đồng này, hợp đồng này bị vô hiệu theo quy định của pháp luật.
Như vậy, giao dịch dân sự giả tạo hay còn gọi là “hợp đồng giả cách” không có giá trị pháp lý. Hợp đồng này bị vô hiệu theo quy định tại Điều 124 Bộ Luật dân sự năm 2015. Hậu quả pháp lý của “hợp đồng giả cách” được thực hiện theo quy định tại Điều 131 Bộ Luật dân sự năm 2015./.