“Ăn nốt cái Tết” trước ngày nhường đất xây vành đai 4 Hà Nội

“Ăn nốt cái Tết” trước ngày nhường đất xây vành đai 4 Hà Nội

Sau khi đồng thuận bàn giao đất cho dự án vành đai 4, gần 100 hộ dân ở thôn Xâm Động (Thường Tín, Hà Nội) đón Tết Nguyên đán cuối cùng trước khi khu dân cư của mình được san phẳng để làm đường.

Dù đã vẽ hướng tuyến uốn lượn để tránh tối đa khu dân cư, các nhà làm quy hoạch vành đai 4 Hà Nội dường như không tránh được thôn Xâm Động. Nền đường cắt thẳng qua một khu vực dân cư đông đúc của thôn, khiến khoảng 100 hộ dân phải di dời để nhường đất cho dự án.

Trong 1 thập kỷ qua, người dân tại đây sống với “tin đồn” rằng đường vành đai 4 sẽ nằm đâu đó cách khu dân cư của mình vài trăm mét. Họ không ngờ đến năm 2023, quy hoạch đường lại rơi vào chính nhà mình.

"Ăn nốt cái Tết" trước ngày nhường đất xây vành đai 4 Hà Nội
“Ăn nốt cái Tết” trước ngày nhường đất xây vành đai 4 Hà Nội

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, đại diện Ban quản lý dự án trên địa bàn Thường Tín cho biết trước đòi hỏi gấp gáp về tiến độ, nhà thầu đã sẵn sàng san phẳng khu dân cư của thôn Xâm Động. Các hộ dân ở đây đã ký bàn giao đất, nhận tiền và suất tái định cư.

Tuy nhiên, do nhiều yếu tố (trong đó có cả việc chờ hoàn thiện khu tái định cư), chủ đầu tư và địa phương thống nhất cho bà con ăn nốt Tết Nguyên đán Giáp Thìn ở nhà cũ rồi mới di dời.

Trong khi các hộ dân đồng ý di dời được tạo điều kiện ở nhà cũ đến qua Tết, một hộ dân không chịu di dời đã bị chính quyền địa phương cưỡng chế, san phẳng cả căn nhà.

Trường hợp phải cưỡng chế phá dỡ chỉ chiếm số ít tại thôn Xâm Động. Đa số người dân đã ký nhận bồi thường và chuẩn bị di dời.

Khi thấy đơn vị thi công đã làm đường đến sát khu dân cư, anh Nguyễn Văn Trang, chủ một xưởng nhôm kính, gọi người tháo dỡ xưởng sản xuất của mình để bàn giao đất cho dự án.

Gia đình anh Trang có 679m2 đất bị thu hồi, trong đó 242,2m2 là đất thổ cư. Ở khu tái định cư, anh được nhận lại 2 lô đất 90m2 và 1 lô 60m2, tính ra là tương đương phần đất thổ cư bị mất.

Điều khiến anh Trang tiếc nuối là 437m2 đất còn lại của gia đình là đất trồng cây lâu năm, chưa kịp làm sổ đỏ nên phải chấp nhận mức đền bù rẻ là hơn 1 triệu đồng/m2. Nhà xưởng xây trên khu đất này cũng chỉ được đền bù 10% giá trị, tương đương 36 triệu đồng.

Gạt đi nỗi buồn vì giá đền bù chưa được như kỳ vọng, anh Trang bắt đầu lo xây dựng lại nhà ở và xưởng nhôm kính mới tại lô đất được đền bù. Khu tái định cư nằm cách nhà anh chưa đầy 1km, có đường giao thông rộng rãi và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ nên gia đình yên tâm khi chuyển đến.

Một trong những niềm an ủi cho người dân mất đất là được tái định cư ở một khu đất khác cũng thuộc thôn Xâm Động, cách không xa nơi ở cũ. Nhiều gia đình đã sẵn sàng di rời lập tức nhưng còn chờ dự án tái định cư hoàn thiện hạ tầng điện, nước.

Có trong tay suất đất tái định cư, thử thách tiếp theo của các hộ dân là lo đủ tài chính để xây được nhà mới. Chi phí bồi thường căn nhà cũ thường khiêm tốn, nhiều hộ phải chấp nhận bán bớt suất đất tái định cư đi mới đủ tiền xây nhà.

Bên cạnh các hộ dân mất toàn bộ đất và được tái định cư, cũng có nhiều trường hợp chỉ mất một phần đất như vợ chồng ông Tiến, bà Hương. Căn nhà “dối già” của họ bị dự án “chém” lẹm mất một góc, lại đúng cái góc có cầu thang nên phải đập cả nhà đi xây lại.

Từ nội thành dọn ra Thường Tín ở cho yên tĩnh, vợ chồng ông bà “bất đắc dĩ” sắp có nhà mặt đường, lại còn là tuyến đường vành đai 4 rộng thênh thang của thủ đô. Trong khi bà Hương giục xây nhà mới, ông Tiến còn băn khoăn vì chưa biết chiều cao cốt đường vành đai 4 như thế nào.

“Nhà xây xong lại thấp hơn đường thì dở, mà xây cao từ đầu thì bước lên bước xuống rất khó khăn”, ông Tiến than phiền.

Đại diện tư vấn giám sát cho biết việc xác định cao độ nền đường qua thôn Xâm Động có chút phức tạp do nền đường dốc dần lên để đấu nối vào cầu Mễ Sở. Vị này cho biết các kỹ sư sẽ mang máy toàn đạc đến giúp người dân xác định cao độ chuẩn để xây lại nhà cửa.

Địa bàn huyện Thường Tín có nhiều vị trí nền đất yếu, phải cắm bấc thấm, gia tải mất nhiều thời gian. Do đó, việc đơn vị thi công được tiếp nhận mặt bằng sạch từ sớm có ý nghĩa quan trọng.

Bản đồ vành đai 4 đi qua huyện Thường Tín, Hà Nội (thôn Xâm Động là khu vực khoanh đỏ) và huyện Văn Giang, Hưng Yên (Đồ họa: Ngọc Tân).

Đến nay, tổng khối lượng giải phóng mặt bằng đường vành đai 4 qua huyện Thường Tín đã đạt 98%, trong đó khối lượng đã bàn giao cho đơn vị thi công là 95%

Nguồn: Báo Dân Trí

*************

LUẬT TƯ MINH – TÂM SÁNG TRÍ MINH

⚖️Công Ty Luật TNHH Tư Minh  

👉Địa chỉ: Số 16 Đường D21 P. Phước Long B, Tp Thủ Đức

☎ Hotline: 1900 299 208 

Website: www.luattuminh.vn

*****************************

LUẬT SƯ VŨ XUÂN HOẰNG – LUẬT TƯ MINH 

– Đội ngũ Luật sư giỏi, 20 năm kinh nghiệm. 

– Tư vấn, xử lý gần 10,000 nhiều vụ kiện lớn nhỏ. 

– Trung thực, minh bạch, bảo mật, có trách nhiệm 

– Luôn bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho mọi khách hàng 

LUẬT TƯ MINH – TÂM SÁNG TRÍ MINH

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *