Vì tranh chấp di sản thừa kế, nhiều gia đình đã rạn nứt, người thân ruột thịt quay lưng với nhau, đánh mất tình cảm thiêng liêng. Chính vì vậy, việc tìm hiểu kỹ các quy định pháp luật về quyền thừa kế cũng như cách lập di chúc hợp pháp là vô cùng cần thiết, nhằm đảm bảo việc phân chia tài sản được minh bạch, công bằng và tránh những mâu thuẫn không đáng có.
Tháng 6/2025, TAND TP Hà Tĩnh cũ (nay là TAND khu vực 1) đã mở phiên tòa dân sự sơ thẩm để xét xử vụ tranh chấp thừa kế tài sản. Điều đáng chú ý là nguyên đơn là bà N.T.T., trong khi bị đơn lại chính là con ruột của bà – ông T.N.S.
Theo hồ sơ vụ án, bà T. kết hôn năm 1960. Trong quá trình chung sống, vợ chồng bà có với nhau 4 người con và tạo lập được thửa đất rộng 1.200m² tại Thạch Quý, TP Hà Tĩnh (nay là phường Thành Sen).
Năm 2017, ông bà làm thủ tục tặng đất cho các con. Riêng phần đất còn lại 225m², vợ chồng giữ lại để sử dụng và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (thửa số 89).
Năm 2021, chồng bà T. qua đời mà không để lại di chúc. Do tuổi cao, sức khỏe suy yếu, bà T. muốn bán thửa đất số 89 nhưng liên tục bị con trai là ông T.N.S. ngăn cản và có lời lẽ xúc phạm. Vì thế, bà khởi kiện, yêu cầu tòa công nhận 1/2 diện tích đất tại thửa số 89 là tài sản riêng của bà và chia phần còn lại (1/2) là di sản chồng để lại cho các đồng thừa kế.
Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà T. và giao toàn bộ 225m² đất cho bà quản lý, sử dụng (do phần lớn diện tích đã được xây dựng nhà ở kiên cố, không đủ điều kiện tách thửa). Đồng thời, bà T. phải thanh toán 195 triệu đồng cho ông S., tương ứng với kỷ phần di sản thừa kế ông được hưởng theo quy định pháp luật.
Tương tự, vào tháng 1/2025, TAND tỉnh Hà Tĩnh cũng mở phiên xét xử một vụ tranh chấp di sản thừa kế khác giữa hai anh em ruột – nguyên đơn là ông N.Đ.L. và bị đơn là ông N.Đ.C.
Theo nội dung vụ án, cha mẹ ông L. trước đây sở hữu thửa đất số 300 với diện tích 2.500m² tại xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân (nay là xã Nghi Xuân). Sau khi người cha và ông C. mất năm 2015, không để lại di chúc, thửa đất chưa được cấp giấy chứng nhận lần đầu. Tuy nhiên, đến năm 2016, ông C. đã tự ý kê khai và làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không thông báo hay có sự đồng thuận từ các thành viên trong gia đình.
Việc cấp GCNQSDĐ cho ông C. bị xác định là trái pháp luật do không có tài liệu chứng minh tài sản là được tặng cho hay thừa kế riêng, cũng không có biên bản họp gia đình hay thỏa thuận phân chia. Trên cơ sở đó, TAND tỉnh Hà Tĩnh đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông L. và tuyên hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho ông C.
Theo thống kê, từ ngày 1/1 đến 30/6/2025, TAND hai cấp tại Hà Tĩnh đã thụ lý và giải quyết 333/552 vụ việc dân sự và kinh doanh thương mại, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tranh chấp đất đai chiếm tỷ lệ lớn nhất (46,5%), còn tranh chấp thừa kế tài sản chiếm 5,9%. Đáng lo ngại, các vụ việc ngày càng có xu hướng gia tăng, phức tạp và phần lớn đều xảy ra giữa các thành viên trong cùng gia đình, dòng họ.
Trước thực trạng này, Công ty Luật Tư Minh đưa ra lời khuyên: “Để tránh xảy ra tranh chấp liên quan đến thừa kế, điều cần thiết là phải lập di chúc một cách cụ thể và minh bạch. Di chúc có thể được soạn thảo dưới dạng văn bản hoặc bằng lời nói trong một số trường hợp đặc biệt, tuy nhiên nên thực hiện việc công chứng hoặc chứng thực để đảm bảo giá trị pháp lý vững chắc.”



