Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi): 6 điểm mới đáng chú ý

Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi): 6 điểm mới đáng chú ý

Dưới đây là tổng hợp điểm mới dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi bao gồm những thông tin nổi bật nào so với Luật Công đoàn năm 2012. Mời bạn đọc cùng theo dõi nội dung bài viết.

1. “Nới” điều kiện thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn

Luật Công đoàn năm 2012

Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi)

Căn cứ theo Điều 5 Luật Công đoàn năm 2012.

– Người lao động là người Việt Nam làm việc trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn có quyền được thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn.

Căn cứ theo Điều 5 Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi)

– Người lao động Việt Nam có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn.

Điểm mới: Quy định mới mở rộng phạm vi, chỉ cần là người lao động Việt Nam thì đều có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn.

2. Bổ sung hồ sơ gia nhập Công đoàn với Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp

Luật Công đoàn năm 2012

Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi)

Không có quy định

Căn cứ theo Điều 6 Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi)

Điểm mới: Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp gia nhập công đoàn Việt Nam

– Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp được thanh lập và hoạt động hợp pháp, tự nguyện, tán thành Điều lệ Công đoàn Việt Nam thì có quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam.

– Hồ sơ gia nhập Công đoàn Việt Nam:

+ Văn bản đề nghị gia nhập Công đoàn Việt Nam;

+ Bản sao văn bản thể hiện tính hợp pháp của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp;

+ Văn bản thể hiện việc tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp quyết định gia nhập Công đoàn Việt Nam; thể thức thông qua quyết định việc gia nhập Công đoàn Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động;

+ Danh sách có chữ ký của thành viên tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam;

+ Văn bản thỏa thuận theo quy định của pháp luật có liên quan về việc giải quyết các quyền, nghĩa vụ của tổ chức và thành viên của tổ chức liên quan đến tổ chức này.

Có thể thấy, đây được xem là một trong nhiều điểm mới dự thảo Luật Công đoàn so với trước đây.

Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi): 6 điểm mới đáng chú ý
Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi): 6 điểm mới đáng chú ý

3. Thêm hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động Công đoàn

Luật Công đoàn năm 2012

Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi)

Căn cứ theo Điều 9 Luật Công đoàn năm 2012.

Những hành vi bị nghiêm cấm quy định như sau:

– Cản trở, gây khó khăn trong việc thực hiện quyền công đoàn.

– Phân biệt đối xử hoặc có hành vi gây bất lợi đối với người lao động vì lý do thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn.

– Sử dụng biện pháp kinh tế hoặc biện pháp khác gây bất lợi đối với tổ chức và hoạt động công đoàn.

– Lợi dụng quyền công đoàn để vi phạm pháp luật, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.

Căn cứ theo Điều 10 Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi)

Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) đã sửa đổi và bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động công đoàn như sau:

Sửa đổi, bổ sung nội dung:

– Phân biệt đối xử đối với người lao động, cán bộ công đoàn vì lý do thành lập, gia nhập hoặc hoạt động công đoàn bao gồm:

a) Yêu cầu tham gia, không tham gia hoặc ra khỏi Công đoàn Việt Nam để được tuyển dụng, giao kết hoặc gia hạn hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc;

b) Sa thải, kỷ luật, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc; không tiếp tục giao kết hoặc gia hạn hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc; chuyển người lao động làm công việc khác;

c) Phân biệt đối xử về tiền lương, thời giờ làm việc, các quyền và nghĩa vụ khác trong lao động;

d) Kỳ thị, phân biệt đối xử về giới và phân biệt đối xử trong lao động khác;

đ) Thông tin không đúng sự thật nhằm hạ thấp uy tín của cán bộ công đoàn;

e) Hứa hẹn, cung cấp lợi ích vật chất, lợi ích phi vật chất để người lao động, cán bộ công đoàn không tham gia hoạt động công đoàn, thôi làm cán bộ công đoàn hoặc có hành vi chống lại công đoàn;

g) Chi phối, cản trở, gây khó khăn liên quan đến công việc nhằm làm suy yếu hoạt động của tổ chức công đoàn;

h) Hành vi khác theo quy định của luật.

– Sử dụng biện pháp kinh tế hoặc biện pháp khác gây bất lợi đối với tổ chức công đoàn, can thiệp, thao túng quá trình thành lập, hoạt động của công đoàn, làm suy yếu hoặc vô hiệu hóa việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của công đoàn.

– Lợi dụng quyền công đoàn để vi phạm pháp luật, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.

Bổ sung 03 nội dung mới:

– Vi phạm bảo đảm điều kiện hoạt động công đoàn và bảo đảm cho cán bộ công đoàn theo quy định của pháp luật.

– Không đóng kinh phí công đoàn; chậm đóng kinh phí công đoàn; đóng kinh phí công đoàn không đúng mức quy định; đóng kinh phí công đoàn không đủ số người thuộc đối tượng phải đóng.

– Kích động, xuyên tạc, phá hoại hoặc chống phá hoạt động công đoàn.

4. Bổ sung thêm quyền của Đoàn viên công đoàn

Luật Công đoàn năm 2012

Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi)

Căn cứ theo Điều 18 Luật Công đoàn năm 2012.

Theo Luật Công đoàn năm 2012, Đoàn viên công đoàn có 07 quyền lợi như sau:

1. Yêu cầu Công đoàn đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng khi bị xâm phạm.

2. Được thông tin, thảo luận, đề xuất và biểu quyết công việc của Công đoàn; được thông tin về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước liên quan đến Công đoàn, người lao động; quy định của Công đoàn.

3. Ứng cử, đề cử, bầu cử cơ quan lãnh đạo công đoàn theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam; chất vấn cán bộ lãnh đạo công đoàn; kiến nghị xử lý kỷ luật cán bộ công đoàn có sai phạm.

4. Được Công đoàn tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí pháp luật về lao động, công đoàn.

5. Được Công đoàn hướng dẫn giúp đỡ tìm việc làm, học nghề; thăm hỏi, giúp đỡ lúc ốm đau hoặc khi gặp hoàn cảnh khó khăn.

6. Tham gia hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch do Công đoàn tổ chức.

7. Đề xuất với Công đoàn kiến nghị cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật đối với người lao động.

Căn cứ theo Điều 21 Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).

Điểm mới:

Ngoài07 quyền lợi được quy định tại Luật Công đoàn năm 2012 thì Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) đã bổ sung thêm 04 quyền lợi của Đoàn viên công đoàn, như sau:

1.  Chất vấn Ban chấp hành công đoàn, Chủ tịch công đoàn.

2. Được hưởng chính sách chăm lo phúc lợi, thuê nhà ở xã hội (nhà lưu trú) của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

3. Được tuyên dương khen thưởng khi có thành tích trong lao động, sản xuất và hoạt động công đoàn.

4. Các quyền khác theo quy định của pháp luật có liên quan và Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

5. Bổ sung trường hợp doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức được miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn

Luật Công đoàn năm 2012

Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi)

Không có quy định

Căn cứ theo Điều 30 Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).

Điểm mới: 

– Trường hợp được miễn đóng kinh phí công đoàn:

Doanh nghiệp, Hợp tác xã thực hiện giải thể, phá sản theo quy định tại Luật Doanh nghiệp, Luật Phá sản, Luật Hợp tác xã có tài sản sau khi phân chia mà không đủ số tiền chưa đóng kinh phí công đoàn.

Tuy nhiên, khi cơ quan có thẩm quyền phát hiện vẫn còn khả năng đóng thì sẽ thực hiện truy thu, truy đóng và xử lý theo quy định pháp luật.

– Trường hợp được giảm mức đóng kinh phí công đoàn:

Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp gặp khó khăn vì lý do kinh tế hoặc bất khả kháng thì được giảm mức đóng kinh phí công đoàn.

– Trường hợp được tạm dừng đóng kinh phí công đoàn:

Người sử dụng lao động gặp khó khăn phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến việc không có khả năng đóng kinh phí công đoàn thì được tạm dừng đóng trong thời gian không quá 12 tháng.

6. Bổ sung thêm nguồn hình thành tài sản của Công đoàn 

Luật Công đoàn năm 2012

Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi)

Căn cứ theo Điều 28 Luật Công đoàn năm 2012

Tài sản Công đoàn được hình thành từ nguồn đóng góp của đoàn viên công đoàn, từ nguồn vốn của Công đoàn; tài sản do Nhà nước chuyển giao quyền sở hữu cho Công đoàn và các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật là tài sản thuộc sở hữu của Công đoàn.

Căn cứ theo Điều 32 Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi)

Tài sản Công đoàn được hình thành từ nguồn đóng góp của đoàn viên công đoàn; từ nguồn vốn của Công đoàn; tài chính Công đoàn; tài sản được Nhà nước giao bằng hiện vật; tài sản được đầu tư xây dựng, mua sắm từ ngân sách Nhà nước và các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật là tài sản của Công đoàn.

Điểm mới: Bổ sung và mở rộng thêm các yếu tố khác như tài chính Công đoàn, tài sản được Nhà nước giao bằng hiện vật, và tài sản đầu tư xây dựng, mua sắm từ ngân sách Nhà nước.

Trên đây là bài viết về điểm mới dự thảo Luật Công đoàn.

********
Công Ty Luật TNHH Tư Minh
Địa chỉ 1: Số 16 Đường D21 P. Phước Long B, Tp Thủ Đức
Địa chỉ 2: Đường DT747, KP4, phường Uyên Hưng, TP. Tân Uyên, Tỉnh Bình Dương.
Địa chỉ 3: Văn phòng đại diện Số 80 đường Song Hành, KDT Lakeview City, phường An Phú, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh.
Hotline: 1900 299 208
Website: www luattuminh vn
*****************************
LUẬT TƯ MINH – TÂM SÁNG TRÍ MINH

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *