Vì sao cán bộ ‘nhúng chàm’ chủ động nộp tiền khắc phục?

Vì sao cán bộ ‘nhúng chàm’ chủ động nộp tiền khắc phục?

Năm 2023, Bộ Tư pháp cho biết việc thu hồi tài sản trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế đạt cao nhất từ trước đến nay. Trong đó có nhiều trường hợp bị can, bị cáo đã chủ động khắc phục hậu quả, nộp nhiều chục tỉ đồng.

Một câu hỏi được đặt ra: Phải chăng việc nộp tiền là để các cán bộ đã “nhúng chàm” mong thoát án tử, án chung thân?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim (Nam Định, nguyên phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) nói trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực thì việc thu hồi tài sản là yêu cầu rất quan trọng. Ông cho rằng trước đây việc thu hồi tài sản thất thoát trong các vụ án, nhất là vụ án tham nhũng, gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, gần đây công tác thu hồi tài sản đạt được kết quả ngày càng tốt và năm sau cao hơn năm trước. Ông nói:

– Để kết quả đạt tốt chính là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan tố tụng, cơ quan chức năng khác.

Bên cạnh đó, việc áp dụng các chính sách pháp luật đã đạt được hiệu quả tốt hơn. Các chính sách khoan hồng, nhân đạo cùng với sự nhận thức rõ của các bị can, bị cáo nên đã tích cực động viên gia đình và người thân khắc phục hậu quả, nộp tiền.

* Ông đánh giá thế nào về việc thời gian gần đây nhiều bị can, bị cáo trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ đã chủ động nộp tiền, khắc phục hậu quả?

– Khi chưa có các biện pháp tố tụng thì những người liên quan các vụ án này dường như chưa cảm thấy sợ. Nhưng với các chứng cứ chắc chắn, bị các cơ quan điều tra khởi tố trở thành bị can và cơ quan kiểm sát truy tố trở thành bị cáo thì những người này mới khiếp sợ. Với các điều khoản bị khởi tố, truy tố họ có thể sẽ bị vào khung chung thân hay tử hình. Khi đó họ mới tính toán sự thiệt – hơn và chủ động tìm cách khắc phục hậu quả, nộp tiền với mong muốn là tình tiết giảm nhẹ, giảm mức án tòa tuyên hay nói cách khác là muốn thoát án tử, án chung thân.

Hay như trong vụ án chuyến bay giải cứu vừa qua, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm, cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng vẫn ngoan cố, quanh co, chối tội.

Vì sao cán bộ 'nhúng chàm' chủ động nộp tiền khắc phục? - Luật Tư Minh
Vì sao cán bộ ‘nhúng chàm’ chủ động nộp tiền khắc phục?

Nhưng với những chứng cứ rõ ràng, sau khi bản án sơ thẩm được tuyên với mức án chung thân và xác định có thể “phải làm ma trong tù” thì bị cáo mới thay đổi, nhận tội, đồng thời nộp tiền khắc phục hơn 18 tỉ đồng.

Trước đó, các bị cáo trong vụ án này hay vụ Việt Á đang xét xử cũng đã nộp tiền khắc phục nhiều tỉ đồng. Cần phải hiểu rõ như vậy chứ không phải tự nhiên những người này tự nguyện như vậy. Song rõ ràng đây là tín hiệu tích cực, đóng góp quan trọng vào việc thu hồi tài sản, khắc phục hậu quả do các hành vi làm trái, tham ô, tham nhũng gây ra.

Quan trọng hơn là qua đây cũng cho thấy việc thực thi các quy định của pháp luật đã tạo ra tính răn đe cao hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của bị can, bị cáo. Chính sự nghiêm túc, nghiêm khắc của pháp luật với trường hợp ngoan cố, không chịu khắc phục nhưng lại khoan hồng, nhân văn, nhân đạo với những người ăn năn, hối cải, chủ động, tích cực khắc phục hậu quả đã giúp họ nhận thức được và động viên gia đình, người thân khắc phục.

Cùng với đó, việc thu hồi được các tài sản này sẽ giúp bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, chấm dứt hành vi tham nhũng, tạo ra nguồn tài chính quan trọng để phục vụ cộng đồng, phát triển đất nước.

* Thực tế việc nộp tiền, khắc phục hậu quả là rất tốt nhưng theo ông tiền ở đâu mà các bị can, bị cáo này có để nộp, thậm chí vài chục tỉ đồng cũng có ngay?

– Mỗi trường hợp, mỗi vụ việc, vụ án sẽ khác nhau nhưng tựu trung lại cho thấy những người tham nhũng đều đã có tính toán cụ thể. Có khả năng thứ nhất khi họ tham ô, tham nhũng sẽ không đưa tiền ra ngoài tiêu xài ngay để xã hội dòm ngó, phát hiện mà chủ yếu là cất giấu, gửi chỗ nọ chỗ kia hay chuyển thành vàng bạc châu báu…

Đến khi thấy mọi việc im ắng, không bị ai phát hiện hay “hạ cánh” rồi mới bắt đầu mang ra tiêu xài. Việc này cũng giúp khi vụ việc bị phanh phui, những người này trở thành bị can, bị cáo sẽ có tiền ngay để khắc phục, nộp lại.

Khả năng thứ hai, nếu có lỡ tiêu xài cá nhân hay đầu tư chỗ này chỗ kia một ít rồi thì họ cũng động viên gia đình cố gắng vay mượn. Bởi mục đích lớn nhất cần đạt được là khắc phục hậu quả để được sống, được giảm án. Còn khả năng thứ ba là đã thực hiện nhiều phi vụ trục lợi, tham ô, tham nhũng khác trót lọt rồi, vì vậy “của ăn, của để thừa thãi”. Đến khi bị phát hiện ở một vụ án này thì việc huy động một vài tỉ hay vài chục tỉ đồng để khắc phục hậu quả sẽ rất nhanh chóng.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ

*************

LUẬT TƯ MINH – TÂM SÁNG TRÍ MINH

⚖️Công Ty Luật TNHH Tư Minh  

👉Địa chỉ: Số 16 Đường D21 P. Phước Long B, Tp Thủ Đức

☎ Hotline: 1900 299 208 

Website: www.luattuminh.vn

*****************************

LUẬT SƯ VŨ XUÂN HOẰNG – LUẬT TƯ MINH 

– Đội ngũ Luật sư giỏi, 20 năm kinh nghiệm. 

– Tư vấn, xử lý gần 10,000 nhiều vụ kiện lớn nhỏ. 

– Trung thực, minh bạch, bảo mật, có trách nhiệm 

– Luôn bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho mọi khách hàng 

LUẬT TƯ MINH – TÂM SÁNG TRÍ MINH

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *