Bán xăng dầu phải xuất hóa đơn điện tử: Cần khuyến khích người dân lấy hóa đơn

Bán xăng dầu phải xuất hóa đơn điện tử: Cần khuyến khích người dân lấy hóa đơn

Hàng chục nghìn cửa hàng xăng dầu bán lẻ sẽ phải áp dụng hóa đơn điện tử, kết nối dữ liệu với cơ quan thuế nhằm ngăn chặn hàng giả, trốn thuế. Tuy nhiên để đạt được mục tiêu này, cần có cơ chế khuyến khích người dân lấy hóa đơn khi đổ xăng.

Trong tờ trình vừa được gửi Chính phủ, Bộ Công Thương đề nghị bổ sung quy định về lộ trình triển khai hóa đơn điện tử (HĐĐT) tại dự thảo sửa đổi nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu. Trước đó, Bộ Tài chính đã yêu cầu áp dụng HĐĐT tại tất cả các cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Tuy nhiên, ngoại trừ tài xế có nhu cầu lấy hóa đơn về cho doanh nghiệp khấu trừ chi phí, nhiều người dân cho biết không có nhu cầu lấy hóa đơn vì chẳng biết lấy để làm gì trong khi phải mất thời gian chờ đợi.

17.000 cửa hàng đều phải xuất HĐĐT?

Ngoài việc thiết kế, xây dựng và có trang thiết bị đúng với quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, theo yêu cầu của Bộ Tài chính, các cửa hàng xăng dầu phải có một trong các loại hình, phương tiện, thiết bị ghi, in kết quả đo xăng dầu, đảm bảo kết quả đó được kết nối, chuyển vào hệ thống HĐĐT để lập hóa đơn theo quy định về hóa đơn, chứng từ.

Với hơn 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trải dài khắp cả nước, theo Bộ Công Thương, việc áp dụng quy định này có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp, ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn cung xăng dầu, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho biết sau khi trao đổi về vấn đề này, các doanh nghiệp đều ủng hộ chủ trương nhưng đề nghị cần có thời gian và nguồn lực để thực hiện.

Bán xăng dầu phải xuất hóa đơn điện tử: Cần khuyến khích người dân lấy hóa đơn - Luật Tư Minh
Bán xăng dầu phải xuất hóa đơn điện tử: Cần khuyến khích người dân lấy hóa đơn

Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều doanh nghiệp cho biết đang triển khai thực hiện HĐĐT nhưng chủ yếu là ở các “ông lớn” có nguồn lực tốt. Chẳng hạn, từ năm 2018 đến nay, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) áp dụng HĐĐT thay cho hóa đơn giấy tại hệ thống cửa hàng xăng dầu. Và mới đây, tập đoàn này còn triển khai giải pháp phát hành HĐĐT ngay sau mỗi lần bán hàng.

Cụ thể, với 2.700 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu của Petrolimex, HĐĐT được phát hành ngay sau khi kết thúc từng lần bán hàng. “HĐĐT được phát hành với từng cá nhân, được lưu trữ phục vụ yêu cầu tra soát của khách hàng và kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng. Khách mua xăng dầu nhận HĐĐT qua email, tài khoản hoặc tra cứu trực tiếp trên website của Petrolimex”, đại diện tập đoàn cho hay.

Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối nhà nước có hệ thống bán lẻ xăng dầu lớn ở phía Nam cũng cho biết doanh nghiệp này đã xuất HĐĐT từ nhiều năm nay. Việc quản lý, vận hành hệ thống xuất hóa đơn này cũng trơn tru, không gặp vấn đề gì trong thời gian qua. Do đó, doanh nghiệp có thể đảm bảo liên thông được dữ liệu xuất hóa đơn.

Một doanh nghiệp đầu mối khác cũng cho biết hệ thống bán lẻ trực thuộc đã áp dụng HĐĐT từ nhiều năm nay, bản thân các doanh nghiệp cũng có nền tảng công nghệ nội bộ để quản lý. Thậm chí, các doanh nghiệp cũng đã phát triển hệ thống để liên thông dữ liệu trên từng trụ bơm, nên việc kết nối dữ liệu, HĐĐT không phải là vấn đề khó đối với các doanh nghiệp lớn.

Lo quá tải vào giờ cao điểm

Nhiều doanh nghiệp cho rằng việc áp dụng HĐĐT sẽ giúp thị trường xăng dầu minh bạch, cây xăng được kiểm soát lượng xăng vào, lượng xăng ra cụ thể. Tuy nhiên với các cây xăng tư nhân, dự thảo nghị định cần đưa ra lộ trình áp dụng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp bán lẻ có thời gian chuẩn bị để đáp ứng. “Với các cửa hàng và đại lý bán lẻ, việc áp dụng đồng bộ sẽ là bài toán không đơn giản”, một doanh nghiệp nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, giám đốc một hệ thống bán lẻ xăng dầu tư nhân cho biết nếu áp dụng đồng loạt việc kết nối HĐĐT, liên thông với dữ liệu cơ quan thuế, vấn đề đặt ra là hạ tầng công nghệ thông tin phải đồng bộ, đủ mạnh để đảm bảo tốc độ. “Trong trường hợp xảy ra tình trạng chậm, nghẽn mạng sẽ ảnh hưởng đến cửa hàng khi khách hàng chờ đợi, có thể dẫn tới tình trạng “hỗn loạn” nếu khách hàng phản ứng”, vị này bày tỏ lo ngại.

Một số doanh nghiệp tư nhân cũng cho rằng nếu quy định 100% người dân mua xăng đều phải xuất hóa đơn và chuyển dữ liệu về cơ quan thuế, sẽ rất khó để các cửa hàng đáp ứng bởi khối lượng hóa đơn cực kỳ lớn. Nếu cứ mỗi lần bán hàng là một lần xuất hóa đơn trong khi vào giờ cao điểm xe máy chạy vào ào ào, cứ mỗi xe 50.000 – 100.000 đồng/lần đổ, e rằng không làm nổi”, một doanh nghiệp nói.

Một lãnh đạo thương nhân đầu mối xăng dầu nhà nước tại TP.HCM cho biết đa số người mua xăng dầu ở các cửa hàng bán lẻ là khách sử dụng xe máy nên người mua không mấy quan tâm đến việc nhận lại hóa đơn. Trong khi đó, để ban hành được HĐĐT với khách hàng, doanh nghiệp sẽ phải đầu tư chi phí lớn hạ tầng công nghệ, thiết bị in hóa đơn… với chi phí lớn.

“Đặt trong bối cảnh thị trường xăng dầu biến động khó lường, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, yêu cầu bắt buộc sử dụng HĐĐT với từng cửa hàng sẽ là áp lực lớn cho doanh nghiệp do phải đầu tư chi phí lớn. Tuy vậy, là doanh nghiệp nhà nước nên nếu quy định được ban hành, chúng tôi sẽ nghiêm chỉnh tuân thủ dù sẽ gặp khó khăn”, vị này cho biết.

Lãng phí nếu dân không lấy hóa đơn?

Một lãnh đạo thương nhân đầu mối tại ĐBSCL cho biết doanh nghiệp này từng đầu tư thiết bị in biên lai, hóa đơn bán lẻ tự động tại từng cột bơm xăng. Tuy nhiên khách hàng đổ xăng không mấy quan tâm nhận lại biên lai, nên hóa đơn phát hành xong người dân vứt bỏ ngay tại cây xăng. Vì vậy, doanh nghiệp này đã dừng việc xuất hóa đơn bán lẻ và chỉ thực hiện việc xuất HĐĐT, hóa đơn đỏ với những khách hàng có nhu cầu.

“Để lắp đặt thiết bị đo bồn bể để kết nối dữ liệu với cơ quan thuế, chi phí bỏ ra lên tới hàng trăm triệu đồng. Còn việc đầu tư thiết bị để in biên lai bán lẻ tại trụ bơm xăng, chi phí cho mỗi trụ bơm cũng hàng chục triệu đồng, cộng thêm giấy in rất tốn kém, nên chưa hiệu quả với doanh nghiệp mà không phải khách hàng nào cũng cần nhu cầu hóa đơn”, vị này cho biết.

Do đó, theo các doanh nghiệp, cơ quan quản lý cần đưa ra các biện pháp khác để ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, trốn thuế. Trong đó, yêu cầu doanh nghiệp xây dựng hệ thống dữ liệu đầu vào, đầu ra và cập nhật thường xuyên tới cơ quan thuế. Ngoài ra, không áp dụng tất cả các giao dịch bán hàng đều phải xuất HĐĐT mà thay bằng biên lai mua hàng để thuận tiện hơn cho cả khách hàng và doanh nghiệp…

Bộ Công Thương cũng thừa nhận rằng để áp dụng quy định này, doanh nghiệp cần có thời gian, nguồn lực đầu tư trang thiết bị và cần có chính sách, lộ trình cụ thể đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu, nhằm tránh đứt gãy nguồn cung xăng dầu. Do vậy, Bộ Công Thương đã đề nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính căn cứ các quy định pháp luật về thuế, hướng dẫn cụ thể.

Theo đó, cần quy định chi tiết về HĐĐT và lộ trình để các thương nhân kinh doanh xăng dầu áp dụng. Bộ Công Thương cũng đưa ra đề xuất với lộ trình. Theo đó, với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại vùng đồng bằng và đô thị, thời gian thực hiện sau một năm kể từ ngày nghị định có hiệu lực. Với các cửa hàng xăng dầu tại vùng núi, thời gian thực hiện hai năm kể từ ngày nghị định có hiệu lực.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ

***************

LUẬT TƯ MINH

Địa chỉ: Số 16 Đường D21 P. Phước Long B, Tp Thủ Đức

Hotline: 1900 299 208

Website: www.luattuminh.vn

LUẬT TƯ MINH – TÂM SÁNG TRÍ MINH

#luatsu #luattuminh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *