Đề xuất bỏ vân tay, quê quán, dùng ‘nơi cư trú’ trên căn cước công dân

Đề xuất bỏ vân tay, quê quán, dùng ‘nơi cư trú’ trên căn cước công dân

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc đổi tên thẻ căn cước như dự Luật Căn cước mà Chính phủ trình không làm phát sinh thủ tục, chi phí đổi thẻ với người dân.

Theo chương trình làm việc, sáng nay (25-10), Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Căn cước. Đây là tên gọi mới của Luật Căn cước công dân theo đề nghị của Chính phủ.

Đổi tên thẻ căn cước không làm phát sinh chi phí

Trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh dự thảo luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với đa số ý kiến đại biểu tán thành tên gọi Luật Căn cước và tên thẻ căn cước.

Lý giải nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc sử dụng tên gọi Luật Căn cước thể hiện rõ tính khoa học.

Đồng thời, sẽ bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của luật, gồm cả công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch.

 

Tên gọi này cũng phù hợp với bản chất và mục tiêu quản lý căn cước của Nhà nước; phù hợp với phương thức quản lý trong thời kỳ cách mạng 4.0, xây dựng Chính phủ số, xã hội số.

Việc sử dụng tên gọi thẻ căn cước như dự thảo luật là phù hợp, sẽ bao hàm được đầy đủ thông tin về căn cước của công dân.

Ngoài ra, với việc mở rộng, tích hợp nhiều thông tin vào thẻ căn cước vừa nhằm hướng tới mục tiêu quản lý nhà nước về căn cước toàn diện hơn, đầy đủ hơn, vừa tạo thuận lợi cho người dân trong việc sử dụng thông tin cá nhân.

Đề xuất bỏ vân tay, quê quán, dùng 'nơi cư trú' trên căn cước công dân - Luật Tư Minh
Đề xuất bỏ vân tay, quê quán, dùng ‘nơi cư trú’ trên căn cước công dân

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhấn mạnh việc đổi tên thẻ căn cước như dự thảo luật Chính phủ trình không làm phát sinh thủ tục, chi phí đổi thẻ với người dân. Do đó, đề nghị cho giữ tên Luật Căn cước và tên thẻ căn cước.

Đổi số thẻ căn cước công dân thành số định danh cá nhân

Về nội dung thể hiện trên căn cước, một số ý kiến đại biểu đề nghị rà soát để bảo đảm thống nhất với quy định của pháp luật hiện hành.

Theo ý kiến đại biểu, trên căn cước chỉ nên thể hiện những thông tin mang tính chất ổn định, không trùng lắp; cân nhắc một số thông tin chưa phù hợp; đề nghị không nên sử dụng QR code, chỉ nên dùng chip điện tử trên căn cước.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay các thông tin thể hiện trên căn cước đã được đánh giá cụ thể, bảo đảm không trùng lặp giữa các trường thông tin, thống nhất giữa các loại giấy tờ tùy thân phổ biến hiện nay của công dân, tương thích với các quy định của pháp luật có liên quan.

Dự thảo luật bỏ vân tay trên bề mặt thẻ (được lưu trữ trong bộ phận lưu trữ) để bảo đảm tính bảo mật trong quá trình sử dụng thẻ.

Đồng thời, bỏ thông tin “quê quán”, sửa đổi “số thẻ căn cước công dân” thành “số định danh cá nhân”, “căn cước công dân” thành “thẻ căn cước”, “nơi thường trú” thành “nơi cư trú”, bổ sung “nơi đăng ký khai sinh”… để tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc này bảo đảm tính chính xác về các thông tin của người dân trong xác thực, hạn chế việc phải cấp đổi căn cước và bảo đảm tính riêng tư của người dân.

Cùng với đó, các thông tin căn cước của người dân cơ bản sẽ được lưu trữ, khai thác, sử dụng thông qua chip điện tử trên thẻ căn cước.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ rõ việc tích hợp cả QR code và chip điện tử trên thẻ căn cước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng thông tin công dân khi thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự.

Tuy nhiên, trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu, chỉnh sửa một số trường thông tin.

Bổ sung quy định cụ thể về thông tin được mã hóa, lưu trữ trong bộ phận lưu trữ trên thẻ căn cước, bảo đảm phù hợp và khả thi.

Dự thảo luật cũng quy định về thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước.

Theo đó, quy định chỉ cập nhật các trường thông tin trong thực tế quản lý đã rõ, được sử dụng thường xuyên, cần có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trong các trường thông tin quy định tại dự thảo luật có “7 trường thông tin bắt buộc người dân phải cung cấp”.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ

***************

LUẬT TƯ MINH

Địa chỉ: Số 16 Đường D21 P. Phước Long B, Tp Thủ Đức

Hotline: 1900 299 208

Website: www.luattuminh.vn

LUẬT TƯ MINH – TÂM SÁNG TRÍ MINH

#luatsu #luattuminh

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *