13 hiệp hội đề xuất giảm mức đóng bảo hiểm xã hội

13 hiệp hội đề xuất giảm mức đóng bảo hiểm xã hội

Nhóm 13 hiệp hội, ngành hàng vừa có đề xuất giảm tỉ lệ đóng bảo hiểm xã hội cho dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi.

Cụ thể, 13 đơn vị gồm Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam, Hiệp hội Bia rượu nước giải khát Việt Nam, Hiệp hội Sữa Việt Nam, Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, Hiệp hội Các doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam, Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam; 

Cùng Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Hiệp hội Chè Việt Nam, Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam, Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM đã ký văn bản góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi.

Đề xuất giảm mức đóng bảo hiểm xã hội thế nào?

Trong văn bản, các hiệp hội cho rằng tỉ lệ đóng bảo hiểm xã hội tại Việt Nam rất cao. Dự thảo luật vẫn giữ quy định như cũ với mức đóng của cả doanh nghiệp và người lao động lên tới 32%. 

Nhóm hiệp hội tính toán mức đóng năm 2007 chỉ là 23% song từ năm 2017 tăng lên thành 32%. Cạnh đó, lương tối thiểu vùng năm 2022 cao gấp 10 lần so với thời điểm 2007.

13 hiệp hội đề xuất giảm mức đóng bảo hiểm xã hội - Luật Tư Minh
13 hiệp hội đề xuất giảm mức đóng bảo hiểm xã hội

So sánh với các nước, Malaysia chỉ đóng 16,5%, Ấn Độ thấp hơn là 15,25%, tiếp đến là Indonesia (10,26%), Thái Lan (5%).

“Tại Thái Lan, nguồn quỹ bảo hiểm xã hội không chỉ từ người lao động và người sử dụng lao động mà Chính phủ cũng đóng góp thêm”, văn bản nêu.

Các hiệp hội đề nghị giảm mức đóng quỹ bảo hiểm xã hội xuống 20%, theo đó người lao động chỉ đóng 5%, còn người sử dụng lao động đóng 15%. 

Hiện nay, tổng mức đóng là 25,5%. Trong đó, doanh nghiệp đóng 17,5% gồm 3% quỹ ốm đau thai sản, 14% quỹ hưu trí và tử tuất, 0,5% bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, còn người lao động đóng 8%. 

Với quỹ bảo hiểm thất nghiệp, nhóm hiệp hội đề xuất giảm tỉ lệ đóng của cả người lao động và doanh nghiệp xuống tổng 1% và có lộ trình giảm tiếp thay vì mỗi bên 1% như hiện nay.

Còn quỹ bảo hiểm y tế, người lao động chỉ đóng 1%, doanh nghiệp đóng 2%.

Các hiệp hội nhận định tuy giảm tỉ lệ đóng bảo hiểm xã hội nhưng người lao động vẫn đảm bảo lương hưu và có thể đáp ứng nhu cầu chi tiêu cuộc sống.

Đề xuất tính lại mức hưởng lương hưu

Nhóm 13 hiệp hội cũng đề xuất tính lại mức hưởng lương hưu do nhiều lao động đóng bảo hiểm xã hội sớm nhưng đến 50, 55 tuổi thì sức khỏe giảm sút, không đáp ứng nhu cầu công việc, khó tìm việc. Trong khi đó, họ có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm, thậm chí 30 năm.

Bên cạnh đó, tuổi nghỉ hưu của người lao động đang theo lộ trình và họ chỉ được nghỉ sớm tối đa 5 năm nếu thuộc nhóm bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến dưới 81%. Trường hợp nghỉ hưu trước tuổi bị trừ 2% là không hợp lý.

Ngược lại, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 nêu rõ mức lương hưu tối đa bằng 75% tiền lương đóng bảo hiểm hằng tháng. Tuy nhiên, nếu người lao động đóng vượt ngưỡng này thì phần dư mỗi năm chỉ tính bằng 0,5 tháng bình quân tiền lương đóng bảo hiểm.

Do vậy, nhóm 13 hiệp hội đề xuất lao động đủ tuổi nghỉ hưu sớm (tối đa 5 năm so với tuổi nghỉ hưu) và đóng trên 20 năm bảo hiểm xã hội thì được về hưu. Mỗi năm về hưu bị trừ 1 tháng lương, cao nhất không trừ quá 1% tương ứng 1 năm như Luật Bảo hiểm xã hội 2006.

Còn lao động đủ tuổi nghỉ hưu sớm (tối đa 5 năm so với tuổi nghỉ hưu) và đóng đủ 30 năm bảo hiểm xã hội với nữ và 32 năm với nam thì được nghỉ hưu và hưởng tối đa 75%.

Nhóm 13 hiệp hội cũng đề xuất không nên áp mức trần lương hưu 75% mà nên tính toán dựa trên tổng thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tương ứng.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ

***************

LUẬT TƯ MINH

Địa chỉ: Số 16 Đường D21 P. Phước Long B, Tp Thủ Đức

Hotline: 1900 299 208

Website: www.luattuminh.vn

LUẬT TƯ MINH – TÂM SÁNG TRÍ MINH

#luatsu #luattuminh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *